Thực thi các FTA thế hệ mới trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế
Hội nhập và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên mới tiếp tục là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên xu hướng này đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc lớn, sự phá vỡ chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn… Để tận dụng những cơ hội, vượt qua thách thức trong môi trường hội nhập, Việt Nam cần có các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới, tận dụng hiệu quả những lợi thế, đặc biệt là những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại cho kinh tế Việt Nam.
Xu thế và cơ hội từ hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những phương diện của quá trình toàn cầu hóa, trong đó các quốc gia có những kết nối và hợp tác mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa; đặt mỗi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển trước những cơ hội và thách thức.
Mức độ hội nhập kinh tế thể hiện ở các cấp độ từ hợp tác song phương, đa phương đến liên kết ở cấp độ toàn cầu. Khảo sát cho thấy, số lượng các hiệp định thương mại song phương và đa phương đang có chiều hướng tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2019, trên thế giới đã có 178 hiệp định song phương và 76 hiệp định đa phương. FTA được hình thành trên cơ sở kết nối thị trường không chỉ những quốc gia có vị trí địa lý gần nhau, ở cùng một khu vực mà còn cả những nước có khoảng cách địa lý xa nhau. Lĩnh vực kết nối tập trung chủ yếu vào nội dung thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, tuy nhiên, các vấn đề phi truyền thống cũng được đưa vào nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia như: vấn đề về môi trường, lao động, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp (DN) nhà nước… Cùng với các lĩnh vực hợp tác, sự phát triển của khoa học công nghệ càng làm cho sự kết nối, hợp tác được mở rộng hơn và ở những hình thức liên kết phức tạp, đa dạng hơn.
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại ra đời năm 1947 (GATT 1947) đã điều chỉnh thương mại hàng hóa toàn cầu trong suốt gần 50 năm. Hiệp định này đã tạo ra một sân chơi chung cho thương mại toàn cầu, xóa đi các rào cản về thuế và phi thuế, thúc đẩy thương mại hàng hóa tăng cao, đồng thời liên kết các quốc gia, bởi các luồng vốn đầu tư di chuyển để tận dụng tối đa những lợi thế trong sản xuất hàng hóa. Thống kê trong giai đoạn 1960-2016, thương mại thế giới tăng bình quân 3,5%/năm, tỷ trọng sản phẩm quốc nội của thế giới (GDP) tăng từ 24% lên 56%. Giai đoạn này cũng chứng kiến môi trường thương mại toàn cầu không ngừng mở rộng và ngày càng ổn định hơn nhờ các FTA và sự vận hành của Hiệp định GATT.
Nối tiếp Hiệp định GATT, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời vào năm 1995 đã tạo ra môi trường thương mại toàn cầu, ổn định hơn, tăng trưởng thương mại diễn ra nhanh và với quy mô lớn; đặc biệt là tạo nền tảng thúc đẩy hình thành Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Thay vì chỉ điều chỉnh lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước, GATS được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ. Sự hình thành luật chơi mới, tạo ra sự kết nối và hợp tác giữa các nước trên cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy liên kết chặt chẽ, sâu rộng. Điều này không chỉ giúp các quốc gia tập trung phát triển hàng hóa và dịch vụ, mà còn hỗ trợ lẫn nhau trong thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Song song với quá trình hình thành sự kết nối chung của tự do thương mại và dịch vụ toàn cầu, các khu vực và các quốc gia trên thế giới cũng đẩy mạnh tìm kiếm, hợp tác sâu rộng hơn để tháo gỡ những bế tắc trong các khuôn khổ hợp tác đa phương kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Vì vậy, các mô hình liên kết kinh tế khu vực như: Liên minh châu Âu, Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ, Khu vực thương mại tự do ASEAN… các FTA song phương và đa phương lần lượt ra đời phát triển với tốc độ nhanh chóng.
Các nước ASEAN hình thành khu vực thương mại tự do từ năm 1993 nhằm mở rộng thị trường, tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác ngoài Khối. Đây là khu vực năng động nhất trong khu vực các nước Đông Á trong mở rộng thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đối tác.
Khi các nước Đông Á bắt đầu tìm kiếm các khu vực mậu dịch tự do mới, thì một số nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu thảo luận về việc hình thành khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương. Từ sự khởi đầu này, đến nay đã hình thành Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Hoa kỳ rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định CPTPP với 11 nước thành viên tham gia (gồm Japan, Australia, New Zealand, Malaysia, Brunei, Singapore, Canada, Chile, Mexico, Peru và Việt Nam) đã được ký vào ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile). Hiệp định CPTPP đã mở ra một khái niệm mới, đó là FTA thế hệ mới. Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống như các FTA trước đây thì FTA thế hệ mới đã đề cập đến nhiều nội dung phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… Như vậy, có thể khẳng định, CPTPP là một hình mẫu cho tiến trình hội nhập mới, cam kết sâu hơn và nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực hơn.
Quá trình liên kết kinh tế và khu vực trong thời gian gần đây đã chứng kiến một số quan điểm mới của một số quốc gia về hợp tác, từ đa phương chuyển sang song phương khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP vào năm 2017; tiếp theo là sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những căng thẳng thương mại ở một số nhóm nước khác. Sự va chạm quyết liệt giữa các nước lớn đặt ra yêu cầu cần có sự cải tổ hơn nữa trong các luật chơi chung toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ mặc dù đang tiếp tục gia tăng (con số tranh chấp thương mại năm 2018 gia tăng lên 35 vụ kiện, nhiều nhất trong vòng 16 năm qua), nhưng xu hướng hợp tác và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục được thúc đẩy ở nhiều mức độ khác nhau tại các diễn đàn đa phương lớn như: CPTPP được ký kết; Trung Quốc thúc đẩy các sáng kiến liên kết kinh tế, nâng cấp các FTA với một số nước; EU tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, hướng tới các đối tác tại châu Á và Mỹ La tinh; Nga tiếp tục kết nối Liên minh kinh tế Á-Âu với các nước, ký FTA với Trung Quốc, thúc đẩy FTA với ASEAN…
Nằm trong khu vực Đông Á năng động, mở cửa và ký kết các FTA, Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 12 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi gồm: Hiệp định ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia- New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu, CPTPP, ASEAN - Hồng Kông; 2 hiệp định đã ký kết là Việt Nam - EU và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba nhưng chưa có hiệu lực; 3 hiệp định thương mại đang đàm phán, gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam – Israel, Việt Nam và khối 04 nước Bắc Âu (VN-EFTA).
Có thể nói, tiến trình tham gia các FTA của Việt Nam được tiến hành từng bước và có lộ trình với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng. Hiện nay, Việt Nam là nước ASEAN có mức thu nhập trung bình đầu tiên ký kết cả 2 hiệp định: CPTPP và Việt Nam - EU. Việc ký kết tham gia các FTA thế hệ mới trong khi xu hướng bảo hộ gia tăng đã làm gia tăng vị thế của Việt Nam với ưu thế là một nền kinh tế mở, có nhiều FTA với các đối tác thương mại lớn. Khoảng trên 80% thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam đến từ các quốc gia đã và đang ký kết các FTA.
Vấn đề đặt ra đối với thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế
Hệ thống thương mại đa phương đang đứng trước sức ép phải điều chỉnh do sự xung đột giữa các nước lớn. Một số quan điểm trên thực tế đã hình thành tại WTO và được dẫn dắt bởi các nhóm nước khác nhau. Sự cải tổ của WTO sẽ tác động không nhỏ đến các FTA song phương, đa phương nói chung và sự kết nối, hợp tác giữa các quốc gia nói riêng.
Sự kết nối và ảnh hưởng giữa các quốc gia không chỉ có được từ sự hợp tác mà ngay cả khi xu hướng bảo hộ gia tăng, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia lớn xuất hiện cũng sẽ có tác động nhất định đến các quốc gia khác. Điều này cho thấy, sự tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau giữa các thị trường, giữa các quốc gia đã ở mức cao. Quá trình phụ thuộc này về cơ bản được hình thành mạnh mẽ trong giai đoạn trước, khi các nước mở rộng thị trường và tìm kiếm đầu tư, hình thành các chuỗi sản xuất của các công ty và tập đoàn xuyên quốc gia. Một số quốc gia trước kia ủng hộ thương mại tự do nay lại trở thành yếu tố làm ảnh hưởng tới hệ thống thương mại đa phương và quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ tới triển vọng kinh tế chung của các quốc gia, khu vực và thế giới. Trên thực tế, các diễn đàn hội nhập và hợp tác đã chứng kiến những quan điểm và xu thế này, tuy nhiên cũng không ngăn cản sự tìm kiếm và hình thành các khu vực mậu dịch tự do mới, trong đó, CPTPP và một số hiệp định của EU là những ví dụ điển hình.
Việt Nam nói riêng, các nước Đông Á nói chung dần trở thành trung tâm của các sáng kiến hợp tác như: CPTPP, RCEP và các sáng kiến kết nối khu vực khác. Thách thức đặt ra là làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa, thống nhất giữa những kết nối này. Nhiều nước đã nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối các sáng kiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trong từng thời kỳ. Sự kết nối này không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á mà còn ảnh hưởng bởi các kế hoạch kết nối khác như giữa châu Á và châu Phi, châu Á và châu Âu…
Sự kết nối giữa các quốc gia trở nên phức tạp hơn khi có các quy định khác biệt đan xen giữa các khuôn khổ hiệp định, giữa mối quan hệ của 2 đối tác với nhau xét trên nhiều phương diện, khuôn khổ hợp tác. Các quốc gia khi tham gia FTA cũng có các tiêu chuẩn khác nhau và gặp những thách thức trong quá trình thực thi.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có số hóa nền kinh tế đã giúp hình thành phát triển các hình thức thương mại phi truyền thống như thương mại điện tử, dẫn truyền điện tử, dịch vụ cung cấp qua biên giới. Công nghệ thông tin đã chuyển đổi các nền kinh tế một cách đáng kể, thông qua sự phát triển của internet, nền kinh tế số, sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo, in 3D, công nghệ chuỗi khối và internet vạn vật. Bên cạnh đó, sự phát triển của truyền thông đã khiến cho thế giới trở nên phẳng và các nền kinh tế phản ứng nhanh hơn với các thông tin thị trường.
Kết luận
Trong kỷ nguyên mới, khi đã hình thành các mạng lưới hợp tác, có nền tảng về kết nối, thì sự tác động qua lại giữa các quốc gia sẽ ngày càng phức tạp và khó đoán định. Các chương trình phát triển toàn cầu và nỗ lực đa phương hóa là động lực tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa thông qua chính phủ, các khu vực và các tổ chức đa phương. Tinh thần phát triển toàn diện, minh bạch hóa trong quản trị, cam kết đa phương hóa và xã hội xây dựng trên luật lệ là những nguyên tắc chỉ đạo trong việc tạo ra sự kết nối. Trong thế kỷ XXI, các kế hoạch kết nối đều có sự hiện diện của khu vực châu Á, bởi đây là khu vực phát triển năng động, là hình mẫu về hợp tác kinh tế và thương mại.
Hội nhập và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên mới tiếp tục là xu hướng tất yếu, tuy nhiên xu hướng này sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mới như: Cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc lớn; sự phá vỡ chuỗi cung ứng của các công ty tập đoàn lớn; xu hướng của các FTA thế hệ mới đã và sẽ thực thi; cơ chế thương mại toàn cầu và đặc biệt là thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Hơn nữa, sự phát triển năng động của khu vực châu Á được tạo thành từ sự hợp tác và kết nối. Các kế hoạch kết nối được xây dựng trên các nguyên tắc đem lại sự quản trị tốt, minh bạch và có trách nhiệm cho người dân. Về hợp tác kinh tế, một số nhà kinh tế tin rằng, trong xu thế đa phương hóa, dù còn nhiều thách thức (như tranh chấp thương mại giữa các cường quốc lớn, 164 nước thành viên không thể thống nhất với nhau về các nội dung toàn cầu) nhưng WTO vẫn có vai trò quan trọng nếu được cải tổ phù hợp. Các FTA hiện nay đều đang được xây dựng trên nền tảng của Hiệp định đa phương WTO, do đó nếu WTO sụp đổ sẽ không còn nền tảng nào cho thương mại toàn cầu. Làn sóng về công nghệ cũng tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế biết tận dụng để tăng trưởng kinh tế, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và đạt được các kết quả toàn diện hơn. Sự chuyển động và vận động, thay đổi công nghệ của các quốc gia dẫn đến những thay đổi trong vị trí xếp hạng cạnh tranh, điều này đòi hỏi các nước cần có chiến lược kết nối và hợp tác để không bị tụt hậu.
Tóm lại, hội nhập và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên mới là xu hướng tất yếu, tuy nhiên xu hướng này sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mới như: Cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc lớn; sự phá vỡ chuỗi cung ứng của các công ty tập đoàn lớn; xu hướng của các FTA thế hệ mới đã và sẽ thực thi; cơ chế thương mại toàn cầu và đặc biệt là thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tích cực trong hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Kết quả của tiến trình hội nhập của Việt Nam được ghi nhận qua các chỉ số tăng trưởng kinh tế, đầu tư, sản xuất, xuất khẩu… Để tận dụng được những lợi thế mà các FTA thế hệ mới đem lại, Việt Nam cần tiếp tục duy trì hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực điều hành và quản trị quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu, xử lý tốt giữa hội nhập và xây dựng nền kinh tế tự chủ để tạo lập và củng cố vị trí thuận lợi trong mạng lưới các liên kết tập hợp lực lượng kinh tế. Các FTA thế hệ mới giúp Việt Nam tạo ra động lực mới để tiến hành những cải cách đáng kể trong các chính sách quản lý và điều hành theo hướng minh bạch hóa thông tin và tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ. Hiệp định CPTPP và Việt Nam - EU khi thực hiện sẽ mang lại các cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường và đa dạng hóa thị trường (kể cả thị trường nhập khẩu), tạo điều kiện để DN Việt Nam tham gia sâu, gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao.
Không chỉ giúp Việt Nam tạo động lực cho tăng trưởng, các FTA thế hệ mới còn giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, hoàn thiện khung pháp lý; tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và giám sát thị trường bảo hiểm, chứng khoán; cải cách DN nhà nước và mua sắm chính phủ; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2013), “Báo cáo quốc gia phục vụ rà soát thương mại trong khuôn khổ WTO”, tháng 9/2013;
2. Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính (2018), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2017, “Thực hiện các cam kết thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2018-2022 và phát triển kinh tế ngành”;
3. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2015), Sách Tài chính Việt Nam năm 2014-2015, NXB Tài chính;
4. Tạp chí Hội nhập của Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế số 91-92, 2019;
5. Đức Dũng (2016), Tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mở ra không gian phát triển cho kinh tế Việt Nam, bnews.vn;
6. Lê Quang Thuận (2019), Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
7. IBM Bỉ, DMI, Ticon, TAC và nhóm nghiên cứu (12/2009), “Hội nhập kinh tế và Sự phát triển ở Việt Nam”;
8. Mutrap (2010, 2011), “Đánh giá tác động của FTA đối với nền kinh tế Việt Nam”;
9. Benedictis, L.D & Taglioni, D. (2010), “The Gravity Model in International trade”, Báo cáo đánh giá tác động của các FTA đối với kinh tế Việt Nam;
10. Các website: eria.org, aric.adb.org…