Thực tiễn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh và một số đề xuất, kiến nghị


Thực tế cho thấy, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2016-2020; Việc xử lý vướng mắc về tài chính tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa; Rà soát diện tích đất của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở thực tiễn triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa tại Thành phố trong thời gian tới.

Thực trạng và kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020

Thực trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Giai đoạn đầu từ năm 2016-2017, UBND TP. Hồ Chí Minh đã căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (CTCP) để ban hành Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 về quy định phân công thực hiện Quy trình chuyển DN nhà nước (DNNN) và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư % vốn điều lệ thành CTCP và triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa (CPH).

Theo đó, đã có 41 DNNN thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh đã được ban hành Quyết định CPH, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, tổ chức kiểm kê tài sản, đấu thầu chọn tư vấn CPH, tổ chức xác định giá trị DN; đã ban hành 08 quyết định giao tài sản (tương đương Quyết định phê duyệt Phương án sử dụng đất khi CPH) cho 08 DN, làm cơ sở căn cứ để xác định giá trị DN khi CPH. Tuy nhiên, ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, dẫn đến các DN phải thực hiện lại theo quy định mới.

Nhằm triển khai các quy định pháp luật mới được ban hành, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 07/5/2019 và Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 về quy định phân công thực hiện Quy trình chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP (thay thế Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 27/2/2017) và triển khai lại công tác CPH theo Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thuộc TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Đến ngày 15/8/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về phê duyệt danh mục DN CPH đến hết năm 2020 (có điều chỉnh tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi bán cổ phần lần đầu hoặc tạm thời chưa CPH đến năm 2020). Các DNNN thuộc Thành phố đã triển khai các bước theo quy trình, đã xây dựng Phương án sử dụng đất trình UBND Thành phố nhưng UBND Thành phố chưa thể thực hiện phê duyệt Phương án sử dụng đất trước thời điểm quyết định CPH theo quy định tại điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ do chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung này.

Kết quả CPH DN giai đoạn 2016-2020

Nhìn chung, công tác CPH DNNN tại TP. Hồ Chí Minh chưa đúng tiến độ được theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công tác CPH bị đình trệ do Phương án sử dụng đất của các DN CPH chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Đến ngày 12/5/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi CPH DNNN, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành CTCP.

Vì vậy, UBND TP. Hồ Chí Minh không thể ban hành Quyết định CPH đối với 38 DNNN theo quy định tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này dẫn đến ách tắc thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện CPH các DN thuộc Thành phố: Chọn thời điểm xác định giá trị DN; phê duyệt dự toán chi phí CPH (trong đó có chi phí thuê tư vấn xác định giá trị DN); tổ chức đấu thầu và quyết định chọn đơn vị tư vấn định giá, tư vấn xây dựng Phương án CPH và bán cổ phần lần đầu...

Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn  giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố đang tổng hợp đề xuất của các DN theo đặc thù của Thành phố và tình hình hoạt động của DN, để xây dựng Kế hoạch sắp xếp DNNN và các DN có vốn nhà nước trực thuộc Thành phố giai đoạn 2021-2025, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Vai trò và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trong quá trình cổ phần hóa

Các quy định pháp luật liên quan vai trò và trách nhiệm Ban chỉ đạo CPH

Ban Chỉ đạo CPH DN là tổ chức phối hợp liên ngành đặc thù trong công tác CPH DNNN, được đề cập nhiều lần trong các nghị định của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP. Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ danh mục DN thuộc diện CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Ban Chỉ đạo để giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu tổ chức triển khai công tác CPH theo quy định (khoản 2 Điều 45).

Theo đó, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm (khoản 4 Điều 45): (i) Thành lập Tổ giúp việc triển khai công tác CPH tại DN; (ii) Chỉ đạo DN xây dựng phương án sử dụng đất khi CPH; (iii) Chỉ đạo xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, tổ chức xác định giá trị DN theo quy định; (iv) Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu; (v) Chỉ đạo xây dựng phương án CPH và dự thảo Điều lệ lần đầu của CTCP và một số công tác khác.

Thực tiễn triển khai

- Công tác CPH DNNN thuộc TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo quy định của 03 Nghị định gồm: 59/2011/NĐ-CP, 126/2017/NĐ-CP và 140/2020/NĐ-CP. Sự điều chỉnh, thay đổi các quy định pháp luật từng bước giúp công tác CPH DNNN dần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, công tác CPH giai đoạn này cũng gặp ảnh hưởng không nhỏ do phải tổ chức thực hiện lại các bước đối với các DNNN đã triển khai thực hiện theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP nhưng chưa hoàn tất bước Phê duyệt phương án CPH (TP. Hồ Chí Minh có 41 DN phải triển khai lại từ đầu).

- UBND Thành phố đã ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo CPH đối với 38 DN thuộc diện CPH theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phần Ban Chỉ đạo bao gồm đại diện các sở, ngành thuộc Thành phố (do Ban Đổi mới quản lý DN Thành phố làm Trưởng ban) và đại diện Bộ Tài chính, đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN (đối với tổng công ty nhà nước, DN có vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 1.800 tỷ đồng trở lên).

- Với đặc thù là TP. Hồ Chí Minh có thành lập Ban Đổi mới quản lý DN Thành phố từ năm 1999, do đó Thành phố đã phân công Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban giữ vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo CPH DNNN.

- Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện quyết toán chuyển thể của các DNNN đã CPH giai đoạn 2013-2015 và trước đó. Đây cũng là giai đoạn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra... và từ đó chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện CPH. Ngoài việc những cá nhân, tổ chức có sai sót, sai phạm phải kiểm điểm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn quy trách nhiệm đến thành viên Ban Chỉ đạo và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, đùn đẩy, thoái thoát trách nhiệm tham gia Ban Chỉ đạo CPH.

Những khó khăn, vướng mắc

Về phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2016-2020

Điều 113, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định “lập phương án sử dụng đất” đối với “đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng”. Nội dung này được quy định cụ thể tại Thông tư số 07/2015/TT BTNMT ngày 26/02/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập Phương án sử dụng đất, đo đạc, lập Bản đồ địa chính, xác định giá thuê đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp và chỉ để thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Đối với việc lập, thẩm định và trình phê duyệt Phương án sử dụng đất khi thực hiện CPH DNNN, đến Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai mới có quy định chung (Khoản 27 Điều 2) và đến Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT ngày 12/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi CPH DNNN, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành CTCP.

Như vậy, việc thẩm định, phê duyệt Phương án sử dụng đất khi thực hiện CPH DNNN giai đoạn 2016-2020 chưa được pháp luật về đất đai quy định.

Việc xử lý vướng mắc về tài chính tại các DN trước khi CPH

Việc xử lý các khoản đầu tư liên doanh với nước ngoài bằng quyền sử dụng đất khi đối tác yêu cầu tăng thời hạn liên doanh hoặc tăng thời hạn thuê đất; một số trường hợp phát sinh khiếu nại, khởi kiện; khó khăn trong việc đồng thuận của phía đối tác liên doanh khi xử lý theo hướng thay đổi phía Việt Nam trong liên doanh (đối với trường hợp không tiếp tục giao liên doanh để CPH).

Các quy định pháp luật về sắp xếp lại DNNN

Trước khi thực hiện xác định giá trị DN, một số DN thuộc diện CPH của TP. Hồ Chí Minh phải hoàn tất việc thực hiện sắp xếp lại, giải thể một số khoản đầu tư không hiệu quả hoặc bán, giao, chuyển giao một số khoản đầu tư theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Tuy nhiên, 02 nghị định nêu trên được ban hành căn cứ theo Luật DN số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật DN số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và hiện nay là Luật DN số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020).

Về rà soát diện tích đất của các DN đã CPH từ DNNN

Trong thời gian qua, nhiều DNNN sau khi CPH hoặc thoái vốn được các cơ quan chức năng chỉ ra những sai sót, sai phạm trong quá trình thực hiện, hầu hết liên quan quyền sử dụng đất của các dự án do DN thoái vốn nắm giữ. Thêm vào đó, Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN nêu rõ: “Rà soát diện tích đất của các DNNN...

Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của DN, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của DN sau CPH, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án CPH DN; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật”. Do đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất của DNNN và các DN sau CPH nhằm tự phát hiện những sai sót, lỗ hổng trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác này còn chậm dẫn đến ảnh hưởng tiến độ CPH và thoái vốn.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Về quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt Phương án sử dụng đất và các nội dung để tổ chức thẩm định Phương án sử dụng đất

Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT ngày 12/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi CPH DNNN, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành CTCP chỉ có 5 Điều và chỉ quy định về “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng”, “Nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi CPH DNNN" và "Lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành CTCP”, không quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt Phương án sử dụng đất và các nội dung để tổ chức thẩm định Phương án sử dụng đất.

Do việc triển khai lập, thẩm định và trình phê duyệt Phương án sử dụng đất một cách cụ thể, thống nhất, chính xác và chặt chẽ rất khó khăn; DN cũng không có cơ chế để giám sát việc thực hiện của cơ quan hành chính Nhà nước, do đó kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt Phương án sử dụng đất và các nội dung cụ thể thẩm định Phương án sử dụng đất.

Về quản lý, sử dụng đất đúng theo Phương án sử dụng đất đã được phê duyệt hoặc lập Phương án sử dụng đất của các DNNN đã CPH nhưng không lập Phương án sử dụng đất

Khoản 27, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung Điều 43, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Theo đó, Điểm a, Khoản 2 Điều 43, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định “khi CPH DNNN, DN CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH”. Đồng thời, theo Điểm a, Khoản 3, Điều này quy định: “Xử lý tồn tại đối với các trường hợp DN CPH đang sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất theo quy định: a) UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát việc quản lý sử dụng đất đai theo phương án CPH đã được phê duyệt để hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho DN cổ phần theo quy định”.

Theo Điểm m, Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, DN sau CPH “phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án CPH DN. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất của các DN CPH phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tục, thủ tục theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm”.

Việc CPH DNNN bắt đầu thực hiện từ Nghị định số 28-CP ngày 07/5/1996 của Chính phủ về chuyển một số DNNN thành CTCP và đến thời điểm hiện nay, liên quan đến lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định, trong đó việc lập Phương án sử dụng đất khi CPH DNNN được quy định lần đầu tiên tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP và việc hướng dẫn lập Phương án sử dụng đất khi CPH DNNN được hướng dẫn lần đầu tại Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT ngày 12/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn tại Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT, các DNNN đã CPH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều không có Phương án sử dụng đất đã được phê duyệt, nên việc kiểm tra, rà soát việc quản lý sử dụng đất đai theo phương án CPH đã được phê duyệt hoặc sử dụng đất đúng theo Phương án sử dụng  đất đã được phê duyệt không có cơ sở để thực hiện.

Ngoài ra, việc yêu cầu lập, thẩm định, phê duyệt Phương án sử dụng đất hoặc yêu cầu DN cổ phần phải quản lý, sử dụng đất đúng theo Phương án đã được phê duyệt (đối với trường hợp có Phương án) là không phù hợp, vì:

- Trường hợp có Phương án sử dụng đất thì Phương án đã lập căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, vào nhu cầu sản xuất - kinh doanh của DN... tại thời điểm lập Phương án. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội luôn phát triển dẫn tới Nhà nước thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị. Khi Nhà nước điều chỉnh quy hoạch và DN đang sử dụng đất mà đáp ứng các điều kiện theo quy định thì có quyền chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch, không thể vì lý do Nhà nước điều chỉnh quy hoạch để từ đó xác định DN sử dụng đất không đúng với phương án sử dụng đất trước khi điều chỉnh quy hoạch và thực hiện thu hồi đất - việc này không đảm bảo sự tin tưởng của DN vào chính sách pháp luật và không đảm bảo sự phát triển của DN.

- Trường hợp DNNN đã CPH nhưng trước đây đã không lập Phương án sử dụng đất, nay không thể yêu cầu lập Phương án sử dụng đất do:

+ Khi CPH DNNN, cơ quan Nhà nước có thẩm quyển đã thực hiện xác định giá trị DN (trong đó có giá trị tài sản trên đất hoặc giá trị tài sản và giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN), đã bán cổ phần (giá trị tài sản trên đất hoặc giá trị tải sản và giá trị quyền sử dụng đất) ra công chúng (trong đó có nhiều cổ đông là tổ chức, cá nhân nước ngoài), đã thực hiện quyết toán chuyển thể, bàn giao tài sản (nhà, đất) của DNNN cho CTCP quản lý, sử dụng.

+ Sau khi DN CPH được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh CTCP, trên cơ sở hồ sơ xác định giá trị DN, UBND Thành phố đã quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất (trả tiền hàng năm hoặc 01 lần cho cả thời gian thuê) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN cổ phần; DN cổ phần đã thực hiện các quyền của người sử dụng đất (thế chấp, chuyển nhượng, góp vốn, bằng quyền sử dụng đất), thậm chí một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở theo quy hoạch và đã bán cho người dân.

Về phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các DN đã CPH nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất

- Căn cứ Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP, khoản 6 Điều 1 quy định: “... Phương án sử dụng đất của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN...”

- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, khoản 27 Điều 2 quy định:

"… 2. Việc quản lý, sử dụng đất khi thực hiện CPH DN nhà nước được thực hiện theo quy định sau đây: a) Khi CPH DNNN, DN CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án  sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH…”.

Các quy định pháp luật về đất đai và CPH nêu trên không có quy định về trình tự, thủ tục, biểu mẫu và cơ quan thẩm định trình phê duyệt phương án sử dụng đất DN CPH nên chưa có cơ sở thực hiện. Đồng thời, việc lập phương án sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, trước đây, UBND Thành phố ban hành quyết định giao tài sản cố định là công trình, vật kiến trúc trên đất cho DN để CPH trên cơ sở Phương án sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo quy định hiện hành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các DN đã CPH nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất cho phù hợp với quy định tại Luật Đất đai hiện hành theo tiết b điểm 2 Mục II Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ.

Căn cứ các quy định và tình hình thực tế nêu trên, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Đối với DN CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và việc giao tài sản cố định là công trình, vật kiến trúc trên đất cho DN để CPH trước đây đã phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất, thì xem như DN CPH đã xây dựng phương án sử dụng đất.

Ban hành các quy định pháp luật về sắp xếp lại DNNN theo quy định pháp luật hiện hành

UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tham mưu ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH một thành viên là công ty con của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Nghị định thay thế Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao DN 100% vốn nhà nước và để phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN số 69/2014/QH13 và Luật DN số 59/2020/QH14.

Ban hành các quy định pháp luật về chuyển giao nguyên trạng DNNN

Do tính chất đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, có một số công ty TNHH MTV (DN cấp II, do DN 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố đầu tư 100% vốn điều lệ) thuộc tiêu chí DN lĩnh vực an ninh quốc phòng, Nhà nước cần phải nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước phải nắm giữ 100% vốn điều lệ cần phải chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND Thành phố là cơ quan đại diện chủ sở hữu (chuyển từ DN cấp II thành DN cấp I) hoặc chuyển giao cho DN 100% vốn nhà nước khác làm chủ sở hữu (chuyển DN cấp II từ DN cấp I chuẩn bị CPH sang DN cấp I khác thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) trong khi hiện nay các văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về các hình thức chuyển giao này.

Do vậy, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về việc chuyển giao không thanh toán trong trường hợp chuyển giao công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau khi chuyển giao thì hai DN này cùng một cơ quan đại diện chủ sở hữu) khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN ngày 26/11/2014.

Đồng thời, hướng dẫn rõ việc chuyển giao khoản đầu tư tại công ty TNHH một thành viên do DN CPH đầu tư 100% vốn điều lệ cho DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khác trong trường hợp DN CPH không kế thừa.

Về vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo CPH

Thực tế trong thời gian qua, khi phát hiện những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định… làm ảnh hưởng kết quả xác định giá trị DN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đều quy trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo CPH. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo CPH là tổ chức liên ngành không có chuyên môn sâu về định giá. Do đó, Ban Chỉ đạo CPH có sự e ngại về rủi ro trong công tác CPH, làm ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Bên cạnh đó, theo “Quy trình chuyển DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành CTCP” kèm theo Nghị định số 140/2020/NĐCP, “Ban Chỉ đạo” được nhắc đến 15 lần, tương ứng với 15 cuộc họp - chưa kể những lần phải họp lại (do Ban Chỉ đạo CPH là tổ chức phối hợp liên ngành, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số). Việc tổ chức họp đầy đủ các thành viên Ban Chỉ đạo thường mất nhiều thời gian, từ 5-10 ngày, dẫn đến kéo dài thời gian. Trong khi đó, các thành viên tham gia tổ chức phối hợp liên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, là lãnh đạo của các sở ngành nhưng phải thông qua nhiều nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý như: thẩm định giá, dự toán kinh phí CPH, phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng đất, nhân sự...

Căn cứ các quy định và tình hình thực tế trên, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị:

 - Tăng cường trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị DN, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan trong quá trình thực hiện nghiệp vụ xác định giá trị DN. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình định giá của tổ chức tư vấn và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

- Thực hiện công bố Danh sách các tổ chức đủ điều kiện tham gia tư vấn định giá theo quy định.

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, cụ thể:

+ Giao cho Trưởng Ban chỉ đạo quyết định, chỉ đạo các sở, ngành, DN thực hiện một số nội dung theo quy trình; Ban Chỉ đạo chỉ thông qua các nội dung quan trọng theo quy trình gồm: Xác định giá trị DN; tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; Phương án CPH.

+ Giao các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm tra, thẩm định trước khi trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo thông qua các nội dung, phương án thuộc chức năng nhiệm vụ như Sở Tài chính (xử lý tài chính, dự toán kinh phí CPH...), Sở Kế hoạch và Đầu tư (đấu thầu chọn tổ chức tư tư vấn, Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh 3-5 năm tiếp theo...), Sở Lao động, thương binh và xã hội (Phương án sắp xếp lại lao động...), Sở Nội vụ (cử người làm đại diện phần vốn tại các DN CPH có vốn nhà nước...).

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2013), Luật Đất đai năm 2013;

2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020;

3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn  giai đoạn 2021-2025.

(*) UBND. TP. Hồ Chí Minh.

 (**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - tháng 5/2022.