Nhìn nhận về trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà – Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy, khi phát hiện những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị quyền sử dụng đất…, làm ảnh hưởng kết quả xác định giá trị DN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đều quy trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa là tổ chức liên ngành không có chuyên môn sâu về định giá, từ đó có sự e ngại về rủi ro trong công tác cổ phần hóa, làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN” tổ chức sáng ngày 17/5, bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết, giai đoạn đầu từ năm 2016-2017, căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 về quy định phân công thực hiện Quy trình chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư % vốn điều lệ thành CTCP và triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa.
Theo đó, đã có 41 DNNN thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh đã được ban hành Quyết định cổ phần hóa, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, tổ chức kiểm kê tài sản, đấu thầu chọn tư vấn cổ phần hóa, tổ chức xác định giá trị DN; đã ban hành 08 quyết định giao tài sản (tương đương Quyết định phê duyệt Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa) cho 08 DN, làm cơ sở căn cứ để xác định giá trị DN khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, dẫn đến các DN phải thực hiện lại theo quy định mới.
Nhằm triển khai các quy định pháp luật mới được ban hành, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản quy định, phân công thực hiện Quy trình chuyển DNNN và Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP (thay thế Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 27/2/2017); đồng thời, triển khai lại công tác cổ phần hóa theo Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thuộc TP. Hồ Chí Minh theo tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.
Đến ngày 15/8/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về phê duyệt danh mục DN cổ phần hóa đến hết năm 2020 (có điều chỉnh tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi bán cổ phần lần đầu hoặc tạm thời chưa cổ phần hóa đến năm 2020). Các DNNN thuộc TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các bước theo quy trình, đã xây dựng Phương án sử dụng đất trình UBND Thành phố nhưng UBND Thành phố chưa thể thực hiện phê duyệt Phương án sử dụng đất trước thời điểm quyết định cổ phần hóa theo quy định tại điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ do chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung này.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện, trong đó, ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa DN theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ do Trưởng Ban và Phó trưởng Ban Đổi mới Quản lý DN Thành phố làm trưởng Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đã ban hành 38 Quyết định thành lập Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo cổ phần hóa DN là tổ chức phối hợp liên ngành đặc thù trong công tác cổ phần hóa DNNN, được đề cập nhiều lần trong các nghị định của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP. Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ danh mục DN thuộc diện cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Ban Chỉ đạo để giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa theo quy định.
Theo đó, Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ giúp việc triển khai công tác cổ phần hóa tại DN; Chỉ đạo DN xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; Chỉ đạo xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, tổ chức xác định giá trị DN theo quy định; Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu; Chỉ đạo xây dựng phương án cổ phần hóa và dự thảo Điều lệ lần đầu của CTCP và một số công tác khác.
Thực tiễn cho thấy, triển khai công tác cổ phần hóa DNNN tại TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo quy định của 03 nghị định gồm: Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP. Sự điều chỉnh, thay đổi các quy định pháp luật từng bước giúp công tác cổ phần hóa DNNN dần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa giai đoạn này cũng gặp ảnh hưởng không nhỏ do phải tổ chức thực hiện lại các bước đối với các DNNN đã triển khai thực hiện theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP nhưng chưa hoàn tất bước phê duyệt phương án cổ phần hóa (TP. Hồ Chí Minh có 41 DN phải triển khai lại từ đầu).
UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đối với 38 DN thuộc diện cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phần Ban Chỉ đạo bao gồm đại diện các sở, ngành thuộc Thành phố, đại diện Bộ Tài chính, đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN (đối với tổng công ty nhà nước, DN có vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 1.800 tỷ đồng trở lên).
Với đặc thù là TP. Hồ Chí Minh có thành lập Ban Đổi mới quản lý DN Thành phố từ năm 1999, do đó Thành phố đã phân công Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban giữ vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa DNNN.
Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện quyết toán chuyển thể của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015 và trước đó. Đây cũng là giai đoạn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra... và từ đó chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện cổ phần hóa. Ngoài việc những cá nhân, tổ chức có sai sót, sai phạm phải kiểm điểm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn quy trách nhiệm đến thành viên Ban Chỉ đạo và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế trong thời gian qua cho thấy, khi phát hiện những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định…, làm ảnh hưởng kết quả xác định giá trị DN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đều quy trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa là tổ chức liên ngành không có chuyên môn sâu về định giá. Do đó, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa có sự e ngại về rủi ro trong công tác cổ phần hóa, làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, theo “Quy trình chuyển DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành CTCP” kèm theo Nghị định số 140/2020/NĐCP, “Ban Chỉ đạo” được nhắc đến 15 lần, tương ứng với 15 cuộc họp – chưa kể những lần phải họp lại (do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa là tổ chức phối hợp liên ngành, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số). Việc tổ chức họp đầy đủ các thành viên Ban Chỉ đạo thường mất nhiều thời gian, từ 5-10 ngày, dẫn đến kéo dài thời gian. Trong khi đó, các thành viên tham gia tổ chức phối hợp liên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, là lãnh đạo của các sở ngành nhưng phải thông qua nhiều nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý như: thẩm định giá, dự toán kinh phí cổ phần hóa, phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng đất, nhân sự...
Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Hà cũng đề xuất, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan trung ương cần có các hướng dẫn, quy định cụ thể hóa các nội dung của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, nhằm nâng cao trách nhiệm và xác định rõ phạm vi trách nhiệm của các tổ chức tư vấn thông qua các giải pháp như: trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, hay thời gian công bố danh sách các tổ chức tư vấn đủ điều kiện định kỳ thường xuyên giúp các doanh nghiệp, địa phương làm căn cứ lựa chọn đơn vị tư vấn... Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình định giá của tổ chức tư vấn và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.