Thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Trong thực tế luôn phát sinh những vấn đề liên quan đến việc xác định một cách chính xác số thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện với ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chính là do việc xác định lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế khác nhau.
Thực trạng áp dụng Chuẩn mực kế toán số 17 tại doanh nghiệp
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 - Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được Bộ Tài chính ban hành theo Quyết định 20/2006/TT-BTC ngày 15/02/2005 và Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn chi tiết Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) hiểu và ứng xử phù hợp đối với các chênh lệch phát sinh giữa số liệu ghi nhận theo chính sách kế toán do DN lựa chọn và số liệu theo quy định của các chính sách thuế hiện hành.
Theo quy định của chế độ kế toán DN và chế độ tài chính hiện hành, lợi nhuận kế toán được xác định:
Lợi nhuận kế toán = Doanh thu – Chi phí kinh doanh + Lợi nhuận khác
Còn theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Thu nhập khác
Chính sự khác biệt giữa chính sách thuế và chế độ kế toán đã tạo ra các khoản chênh lệch trong việc ghi nhận doanh thu và chi phí cho một kỳ kế toán nhất định. Điều này, dẫn tới chênh lệch giữa số thuế thu nhập phải nộp trong kỳ với chi phí thuế thu nhập của DN theo chế độ kế toán áp dụng.
Chênh lệch vĩnh viễn: Là các khoản chênh lệch phát sinh khi thực hiện quyết toán thuế, cơ quan thuế loại hoàn toàn ra khỏi doanh thu/chi phí, khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ căn cứ theo luật và các chính sách thuế hiện hành. Ví dụ như ghi nhận từ thực tiễn của kế toán Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí, trong năm 2015, Công ty này đạt tổng doanh thu và thu nhập trong kỳ là gần 64.409.960.088 đồng. Tổng chi phí phát sinh trong kỳ là gần 54.589.606.465 đồng. Lợi nhuận kế toán là hơn 9.820.353.623 đồng. Thuế TNDN phải nộp là hơn 2.160.477.797 đồng tương ứng với mức thuế suất thuế TNDN 22%.
Tuy nhiên, trong tổng số chi phí ghi nhận trong kỳ có các khoản chi phí không được trừ theo luật thuế là hơn 26.236.000 đồng (Bao gồm các chi phí không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, chi phí nộp phạt do vi phạm hành chính, chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN...). Khoản chi phí này bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi chi phí, khi xác định thu nhập chịu thuế.
Chênh lệch tạm thời: Là các khoản chênh lệch phát sinh do cơ quan thuế chưa chấp nhận ngay trong kỳ/năm các khoản doanh thu/chi phí đã ghi nhận theo chuẩn mực và chính sách kế toán DN áp dụng. Các khoản chênh lệch này sẽ được khấu trừ hoặc tính thuế thu nhập trong các kỳ/năm tiếp theo.
Cụ thể như trong năm 2015, Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí đã mua một lô dụng cụ, lô hàng này được DN dùng luôn cho bộ phận quản lý DN, kế toán đã phản ánh toàn bộ giá trị dụng cụ mua về trên tài khoản 242 – Chi phí trả trước với thời gian phân bổ trong vòng 48 tháng kể từ tháng 8/2015. Trong năm 2015, kế toán đã phân bổ giá trị lô dụng cụ trên vào chi phí quản lý DN là: (84.710.000 * 5)/48 = 8.853.958 đồng. Chi phí này được trừ khỏi thu nhập chịu thuế, khi tính thu nhập chịu thuế của DN.
Theo quan điểm của thuế, giá trị dụng cụ phân bổ tính vào chi phí quản lý DN trong năm 2015 là: (84.710.000 * 5)/36 = 11.765.278 đồng. Như vậy, đã phát sinh một khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế là 2.911.320 đồng và kế toán Công ty đã không theo dõi khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế này cũng như phản ánh khoản thuế TNDN hoãn lại phải trả theo như quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 đưa ra cách ứng xử đối với những khoản chênh lệch tạm thời thông qua hai khái niệm: Tài sản thuế thu nhập hoãn lại và Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
Tài sản thuế thu nhập hoãn lại: Là thuế TNDN sẽ được hoàn lại trong tương lai tính trên các khoản:
- Chênh lệch tạm thời được khấu trừ.
- Giá trị được khấu trừ chuyển sang các năm sau của các khoản lỗ tính thuế chưa sử dụng.
- Giá trị được khấu trừ chuyển sang các năm sau của các khoản ưu đãi thuế chưa sử dụng.
Tài sản thuế thu nhập hoãn lại được xác định theo công thức sau:
Tài sản thuế thu nhập hoãn lại = Chênh lệch tạm thời được khấu trừ + Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng X Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (%)
Giá trị Tài sản thuế thu nhập hoãn lại cũng được theo dõi trên tài khoản 243 và số dư được phản ánh vào chỉ tiêu “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại” - Mã số 262 trên Bảng cân đối kế toán.
Thuế thu nhập hoãn lại phải trả: Là thuế TNDN sẽ phải nộp trong tương lai tính trên các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế TNDN trong năm hiện hành (ngoại trừ một số trường hợp mà các giao dịch không có ảnh hưởng đến lợi nhuận tính thuế TNDN tại thời điểm phát sinh).
Số Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập hoãn lại phải trả = Chênh lệch tạm thời chịu thuế X Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (%)
Giá trị thuế thu nhập hoãn lại phải trả được theo dõi trên TK 347 và số dư được phản ánh vào chỉ tiêu “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả” - Mã số 341 trên Bảng cân đối kế toán.
Như vậy, đối với trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí, kế toán của Công ty này cần tiến hành lập các bảng kê chênh lệch nhằm xác định chính xác số thuế TNDN phải nộp trong năm, theo quy định của luật thuế cũng như xác định được số “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả” và “Tài sản thuế TNDN” trong năm. Nghĩa là, để xác định chính xác số thuế TNDN hiện hành trong năm 2015, Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí cần xác định thu nhập chịu thuế theo công thức sau:
Thu nhập chịu thuế sau khi điều chỉnh = Thu nhập chịu thuế do kế toán đã xác định + Các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế - Chênh lệch về giá trị công cụ dụng cụ đã phân bổ
Theo đó, thu nhập chịu thuế sau khi điều chỉnh của DN sẽ là hơn 9,8 tỷ đồng và với mức thuế suất 22% thì thuế TNDN mà Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí phải nộp là 2.165.609.227 đồng, so với quyết toán ban đầu (2.160.477.797 đồng) thì số thuế TNDN mà Công ty phải nộp trong năm 2015 tăng lên 5.131.430 đồng.
Đồng thời, căn cứ vào khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế TNDN trong năm là 2.911.320 đồng, kế toán tính ra số thuế TNDN hoãn lại phải trả được xác định là: 2.911.320 x 22% = 640.490 đồng. Số tiền này cần được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán tại chỉ tiêu “ Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”- Mã số 341.
Đề xuất, khuyến nghị
Qua việc nghiên cứu Chuẩn mực kế toán số 17 trong công tác kế toán thuế tại Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí có thể thấy rằng, công tác kế toán thuế TNDN tại đơn vị hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế trong việc phân biệt lợi nhuận kế toán với thu nhập chịu thuế, dẫn đến việc phản ánh thuế TNDN trong kỳ không chính xác và theo dõi không đầy đủ các khoản mục về thuế trên báo cáo tài chính.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, kế toán tại đơn vị cần nghiên cứu kỹ hơn Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17. Đồng thời, thường xuyên cập nhật kịp thời những thay đổi trong chính sách thuế của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hạch toán thuế TNDN nói riêng và các loại thuế nói chung, hạn chế những sai sót trong quá trình hạch toán thuế tại DN.
Ngoài ra, các cơ quan thuế trực thuộc cũng cần có biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thuế, công tác tập huấn các chính sách về thuế cho DN... tại các đơn vị trên địa bàn quản lý, góp phần hạn chế thất thoát nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12;
2. Thông tư 20/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Chuẩn mực kế toán Việt Nam đợt 4 ngày 20/03/2006;
3. Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội;
4. Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính;
5. Thông tư 96/2015/TT – BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.