Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và một số giải pháp đề xuất


Khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo có thể được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, tuy nhiên, khả năng hiện thực thành công các ý tưởng sáng tạo lại nằm trong nhóm thấp. Bài viết này phân tích thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam và gợi mở một số giải pháp đề xuất nhằm phát huy tinh thần khởi nghiệp thành công…

Khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo có thể được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nguồn: internet
Khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo có thể được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nguồn: internet

Thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 760 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động; khoảng trên 7 triệu hộ kinh doanh. Trong cộng đồng DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97%. Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020, Việt Nam đạt khoảng 1 triệu DN. Đây là mục tiêu hoàn toàn có sở khoa học, bởi môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục được cải thiện, nhiều cơ chế, chính sách khuyễn khích đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với hàng triệu hộ kinh doanh có đủ điều kiện nâng lên thành DN… Đặc biệt, với tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” đang là động lực để DN khởi nghiệp phát triển.

Trước làn sóng khởi nghiệp, sáng tạo diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đơn cử có thể đề cập tới như: Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” (Quyết định số 844/QĐ-TTg). Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Tiếp đến là ngày 7/2/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc và quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến 2025”(Quyết định 3362/QĐ-BKHCN)… Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, để định hướng, đề ra mục tiêu và giải pháp cơ bản về hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015. Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 DN khởi nghiệp. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DN khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có trên 3.000 DN khởi nghiệp sáng tạo; khoảng gần 50 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước; có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.

Vừa qua, Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen, Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumfors chung thực công bố két quả khảo sát, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp. Cụ thể, 91% người Việt Nam được khảo sát cho biết, họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước, 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Tỷ lệ người Việt có thái độ thích cực với khởi nghiệp cao hơn mức trung bình thế giới, vốn chỉ dừng lại ở 77%. Bên cạnh đó, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng, họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt muốn khởi nghiệp “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình”… Những con số trên cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của DN khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam trong thời gian gần đây.

Mặc dù, tinh thần khời nghiệp được xếp vào nhóm cao trên thế giới, nhưng Việt Nam lai nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công. Như vậy, khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động

 Kết quả khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra vào cuối năm 2019 tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”, Việt Nam chưa đến 10% DN khởi nghiệp thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp thấp.

Hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. Mặc dù, có khá nhiều kênh tài chính khác nhau nhưng thực tế, người khởi nghiệp gặp khó khăn khi thiếu vốn vẫn rất phổ biến. Thực tế cộng đồng DN khởi nghiệp hiện nay mong muốn có những pháp chế, định chế thực sự cụ thể hơn trong câu chuyện về gọi vốn, giúp các DN khởi nghiệp có thể tiếp cận được và dễ dàng đón nhận vốn của các nhà đầu tư. Cụ thể là Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018, của Chính phủ về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, quy định về gọi vốn chưa thực sự rõ ràng. Trong khi, yếu tố DN quan tâm nhất lại rất khó thực thi đó chính là yếu tố lập quỹ, mặc dù Nghị định  có đề cập đến. Nghị định 38 cho phép các nhà đầu tư hùn vốn lại với nhau để thành lập quỹ mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng lại không cho thành lập pháp nhân mà phải tự thỏa thuận để có một ai đó cầm đồng tiền này đi đầu tư. Quy định này chết từ trong trứng nước vì phụ thuộc vào yếu tố con người…

Bên cạnh đó, nhiều chủ DN cho rằng, cơ chế chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp mới hỗ trợ vòng ngoài là nhiều. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, hơn 60% DN được khảo sát yếu trong khâu tìm kiếm khách hàng, 42% DN phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần); 29% DN khởi nghiệp chạy được một thời gian thì hết vốn…

Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nhưng nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế. Hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện đang vẫn thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới này. Đây là rào cản lớn khiến các DN khởi nghiệp Việt Nam khó tiếp cận vốn và hoạt động. DN rất cần  định chế và hàng lang pháp lý để DN khởi nghiệp có được lối đi tốt hơn.

Cùng với những vướng mắc về cơ chế chính sách, DN khởi nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế, điển hình như: Hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm; Hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển. Các dự án khởi nghiệp với nhân sự chủ chốt đều chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý DN, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; Hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính liên quan tới việc gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ), thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa đơn, kê khai thuế, ưu đãi thuế…).

Chưa nhận thức rõ về các vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân đang khiến DN khởi nghiệp thất bại. Theo các chuyên gia, một DN khởi nghiệp, khi thành lập thường có tâm lý chỉ tập trung vào sản phẩm vào cách thức marketing, tiếp cận khách hàng, bán hàng mà không chú ý nhiều đến các rủi ro về mặt pháp lý. Trước tiên cần phải kể đến đó là các quy định về Luật Doanh nghiệp. Các nhà sáng lập thường ít khi quan tâm đến các rủi ro liên quan đến việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp, xây dựng quy chế thành viên, điều lệ công ty. Hậu quả là startup bị đình trệ, bỏ lỡ các cơ hội tốt; đồng thời, gây sứt mẻ quan hệ giữa những người sáng lập do xuất hiện xung đột lợi ích về vốn, quyền sở hữu tài sản hoặc startup phải bồi thường cho các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Thiếu điều khoản hợp tác, phương thức làm ăn là một thiếu sót thường gặp ở các startup trẻ. Bởi vì trong giai đoạn đầu, những nhà sáng lập thường gắn kết với nhau bằng đam mê, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng: Các thành viên chỉ cần góp vốn và công sức để đưa DN phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng cần được các nhà sáng lập chú trọng. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng tại Việt Nam khi mà vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng nhái vẫn đang là vấn nạn gây nhức nhối dư luận và chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả… Không ít chủ DN khởi nghiệp còn trẻ, chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề pháp lý nên làm nảy sinh các mâu thuẫn lợi ích không đáng có khi có vấn đề phát sinh. Nhẹ thì mất công sức, thời gian và chi phí để giải quyết tranh chấp, nặng thì mất các nhân viên tốt, trung thành, thậm chí có thể đối mặt với những kiện tung gây ảnh hưởng đến uy tín DN…

Một số giải pháp đề xuất

Phát huy tinh thần khởi nghiệp, nâng cao tỷ lệ thành công trong các DN khởi nghiệp, cần khắc phục những khó khăn và tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu, ban hành mới, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn tài chính nhằm đảm bảo cho các DN khỉ nghiệp có thể trụ vững. Áp dụng cơ chế tài chính, chính sách thuế đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp hoặc đầu tư cho DN khởi nghiệp được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với DN khoa học và công nghệ…;

Phát triển thị trường tài chính nhằm đa dạng hóa kênh huy động vốn cho DNKN, phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội, tháo gỡ khó khăn về vốn phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu DN; chú trọng tới việc thu hút các nhà đầu tư “thiên thần” và các Quỹ Đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ DNKN ở giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam.

Hai là, các DN cần trang bị tốt hơn kiến thức về tài chính và huy động vốn để có thể tiếp cận và kêu gọi vốn đầu tư thành công. Thúc đẩy tài chính DN từ cả phía cung và phía cầu sẽ đảm bảo thành công lớn hơn của các DN Việt Nam. Các DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp; Chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời năm bắt, tiếp nhận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.

Khi thực hiện ý tưởng kinh doanh, DN khởi nghiệp thường tập trung vào thị trường và doanh số. Nhưng để có những bước đi vững chắc, sẵn sàng nâng cao vốn đầu tư thì hiểu biết pháp luật là cần thiết. Theo đó, DN khởi nghiệp phải công nhận và đánh giá đúng vai trò của luật sư trong quá trình hoạch định kế hoạch kinh doanh. Thực hiện tốt việc soạn thảo và ký kết thỏa thuận hợp tác , các văn bản cam kết hay thỏa thuận khác giữa các thành viên sáng lập, nhằm định hướng và đưa ra kế hoạch hợp tác cụ thể, cũng như bảo đảm quyền và lợi và công sức đóng góp của các thành viên theo nguyên tắc công bằng và các bên đều có lợi. Đồng thời, tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư chuyên nghiệp về việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các ý tưởng của mình theo quy định của pháp luật; Nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan lựa chọn loại hình DN phù hợp với mục tiêu kinh doanh và kế hoạch phát triển của DN trong từng giai đoạn thành lập và sau khi thành lập.

Ba là, nâng cao vai trò của các hiệp hội DN và hiệp hội ngành nghề, phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý và DN. Thực hiện tốt vai trò là kênh quan trọng phản biện chính sách về DN, cho phép cộng đồng DN được giám sát và đánh giá hoạt động của các cơ quan chính quyền để làm cơ sở cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bốn là, tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện DN và các đoàn luật sư, liên đoàn luật sư để hỗ trợ pháp lý trong các tình huống cụ thể. Đẩy mạnh việc hỗ trợ pháp lý cho DN bằng nhiều hình thức như bằng văn bản, qua mạng điện tử, điện thoại…

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;
  2. Bộ Khoa học Công nghệ (2017), Quyết định số 171/QĐ-BKHCN phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;
  3. Bộ Khoa học Công nghệ (2016), Quyết định 3362/QĐ-BKHCN phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến 2025”;
  4. Phạm Tiến Đạt (2018), "Cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2018;
  5. VCCI (2019) báo cáo tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”.