Hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng là khả năng tiếp cận vốn. Đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là sản phẩm, công nghệ mới gần như chưa có trên thị trường, phải có định hướng phát triển nhanh chóng với mô hình kinh doanh có thể lặp lại dễ dàng và áp dụng trên mọi địa lý.
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều rủi ro hơn so với các doanh nghiệp thông thường nên cần có những hỗ trợ đặc thù về cơ sở vật chất và tài chính để phát triển. Bài viết đánh giá thực trạng các hình thức huy động của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo Blank và Dorf (2012), doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) đổi mới sáng tạo (ĐMST) là “tổ chức lâm thời tìm kiếm mô hình kinh doanh có khả năng tăng tốc phát triển, nhân rộng và mang lại lợi nhuận”. Tại Việt Nam, thuật ngữ “khởi nghiệp sáng tạo” lần đầu tiên xuất hiện trong Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án số 844) và Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DNNVV), theo đó DNKN ĐMST được hiểu là: “DNKN sáng tạo được thành lập để triển khai một ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới và có tiềm năng mở rộng quy mô nhanh chóng”.
Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm, Việt Nam có trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015. Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 DNKN ĐMST. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DNKN, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu, nhưng cũng là một trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, trong hơn 3.000 DNKN của Việt Nam, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công.
DNKN có thể tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên đối với DNKN ĐMST gặp nhiều khó khăn hơn, một phần là do sản phẩm, công nghệ của DN này gần như hoàn toàn mới, chưa từng có trên thị trường nên có nhiều rủi ro. Các hình thức huy động vốn của các DN ĐMST ở Việt Nam hiện nay chủ yếu gồm:
- Vốn tự có: Vốn tự có được đầu tư bởi một hoặc những người sáng lập, đây là nguồn vốn quan trọng trong giai đoạn đầu của DNKN. Số liệu điều tra của Tổ chức Khởi nghiệp toàn cầu - GEM chỉ ra hơn 60% vốn cho các DNKN mới thành lập là vốn tự có (GEM, 2004). Berge và Udel (1998) chỉ ra rằng, vốn chủ DN chiếm khoảng 50% vốn huy động của các DNKN. Tại Việt Nam, nguồn vốn tự có ban đầu của các DNKN còn rất hạn chế, chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư và nguồn vốn khác.
- Vốn hỗ trợ từ Chính phủ: Hỗ trợ tài chính của Chính phủ đối với các DNKN ĐMST thường thông qua việc thành lập các Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, vốn tài trợ nghiên cứu và phát triển, vốn vay ưu đãi, Quỹ Bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, các đề án, chương trình và các chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế… Vốn tài trợ không hoàn lại cho các DNKN ĐMST chủ yếu dành cho các dự án nghiên cứu và phát triển. Một số chính sách đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST như: Đề án số 844; Quỹ Khởi nghiệp DN khoa học và công nghệ được thành lập ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhằm thu hút đội ngũ tri thức, tổ chức, cá nhân, doanh nhân, nhà khoa học đóng góp vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, tham gia thành lập các DN khoa học và công nghệ; Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021; Chương trình khởi nghiệp ĐMST quốc gia - TECHFEST là sự kiện thường niên của Chính phủ dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, nhằm quy tụ các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
- Vay ưu đãi: Khoản vốn này thường do Chính phủ triển khai thông qua các chương trình cho vay ưu đãi dành cho các DNNVV và DNKN thông qua các ngân hàng. Hiện tại, Quỹ Phát triển DNNVV là cơ quan quản lý vốn vay ưu đãi dành cho DNNVV, theo đó DNKN phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được vay vốn tại Quỹ với mức vay tối đa là 30 tỷ đồng, lãi suất vay 7%/năm, thời hạn vay tối đa 7 năm. Trong thực tế, do có những quy định khắt khe từ phía ngân hàng và Chính phủ nên các khoản vay ưu đãi này chưa phát huy được hiệu quả tối đa.
- Vốn vay ngân hàng thương mại: Tiếp cận vốn vay ngân hàng cho khởi nghiệp ĐMST cũng là một hình thức được áp dụng như trên các thị trường tài chính ở các quốc gia khác. Theo Robb và Robinson (2010), có khoảng 40% DNKN Mỹ được tài trợ bởi các khoản vay thương mại. Tại Việt Nam, một số ngân hàng như Vietinbank, VP Bank và BIDV trong thời gian qua đã công bố các chương tình tín dụng đặc biệt dành cho DNKN sáng tạo nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn vì còn nhiều rủi ro, cần tài sản thế chấp và không đủ nhân sự để thẩm định DNKN sáng tạo.
Chính phủ cũng đã lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng (CGF) để tham gia bảo lãnh các khoản vay của các DNNVV (trong đó bao gồm các DNKN sáng tạo), các quỹ CGF sẽ trả nợ trong trường hợp DN vay vốn chậm trả nợ. Mặc dù quỹ này đã hoạt động được 15 năm và trải khắp 28 tỉnh và thành phố trên cả nước tuy nhiên hiệu quả của các quỹ này cho tới nay vẫn chưa được kiểm chứng. Nguyên nhân là do các quy định khắt khe, cũng như thiếu sự cam kết của CGE về việc hoàn trả toàn bộ khoản bảo lãnh khi nợ xấu. Do đó, các ngân hàng tư nhân thường không có động lực tham gia vào mô hình này.
- Vốn từ các Quỹ Đầu tư mạo hiểm: Đây là khoản vốn từ các Quỹ Đầu tư dành cho các doanh nghiệp ĐMST ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, chủ yếu đầu tư vào các công ty có tiềm năng đủ tốt, công nghệ sáng tạo và có triển vọng phát triển. Từ năm 2000, một số Quỹ Đầu tư mạo hiểm đã hoạt động tích cực tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay có khoảng 40 Quỹ Đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Các quỹ ngoại điển hình là IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube. Trong hai năm (2016, 2017), nhiều Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa đã được thành lập và hoạt động như: SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam… các quỹ đầu tư này sẵn sàng bỏ vốn nếu DN có nền tảng về nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn vốn này còn rất hạn chế do mức độ uy tín, tin cậy của các DN chưa cao.
- Vốn từ các nhà đầu tư thiên thần: Nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư vào giai đoạn có ý tưởng đến bắt đầu hoạt động để DNKN ĐMST có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường và bắt đầu bán thử sản phẩm trên thị trường. Từ năm 2017, hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam bắt đầu có tính hệ thống, chuyên nghiệp hơn, thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp như: VIC Impact, Hatch Angel Network, iAngel Vietnam hay Angel4us.
- Nguồn vốn khác: Ngoài các nguồn vốn trên, DNKN ĐMST cũng có thể huy động vốn từ một số nguồn khác như tài trợ đám đông và vốn hóa thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, huy động vốn cộng đồng theo hình thức nhận quà tri ân, vay ngang hàng hoặc thông qua những hình thức huy động vốn mới từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, quy mô của các kênh đầu tư này còn rất hạn chế do chưa được hợp thức hóa và chưa được chính phủ khuyến khích.
Các hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Thực tế cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các DNKN nói chung và DNKN ĐMST ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhiều DN có năng lực và ý tưởng kinh doanh tốt nhưng vẫn không gọi được vốn, điều này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
- Về phía các chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước: Chính phủ đã có những hỗ trợ về pháp lý, thể chế bao gồm Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ 2017; Các chương trình, đề án như “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”... Tuy nhiên, các chương trình mới chỉ hỗ trợ khi DN đã được thành lập và hoạt động được một thời gian đầu, chưa hỗ trợ được toàn bộ quá trình phát triển phát triển của DNKN ĐMST. Các khoản tài trợ cho khởi nghiệp chủ yếu liên quan đến nghiên cứu phát triển, những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường, phát triển sản phẩm thì hiện tại chưa có khoản chính sách hỗ trợ.
- Về phía các tổ chức tài chính và nhà đầu tư: Nhiều tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, công ty tài chính hay quỹ đầu tư vẫn còn chưa đầu tư mạnh vào các DNKN ở Việt Nam, bởi do mức độ rủi ro của DNKN cao, họ ưu tiên đầu tư vào các thị trường truyền thống như bất động sản, tài chính nhiều hơn. Điều này khiến các DNKN ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, dẫn đến tình trạng thất bại. Tại Việt Nam, việc tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư là rất khó. Hiện tại, thị trường đã có sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các DNKN tại Việt Nam, nhưng nhìn chung, số lượng quỹ đầu tư chưa nhiều, số tiền bỏ ra cho các DNKN rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ nhưng lại vướng về rào cản pháp lý, các DNKN sáng tạo vì thế cũng mất đi cơ hội kinh doanh.
- Về phía các DNKN: Mặc dù, hiện nay, tinh thần khởi nghiệp rất cao, nhưng năng lực quản trị của các DNKN nhìn chung còn thiếu và yếu, từ năng lực lãnh đạo, quản trị tài chính, tầm nhìn chiến lược, phát triển thị trường… Bên cạnh đó, DNKN thường là DN có quy mô vừa và nhỏ, việc đáp ứng các điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán là khó khăn. Để kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ thì DN phải có phương án kinh doanh khả thi, đây cũng là một trong những điểm yếu của các DNKN ở Việt Nam.
Đề xuất giải pháp
Để khắc phục các hạn chế, trở ngại nhằm tạo môi trường phát triển hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp ĐMST nói riêng, đặc biệt là việc thu hút vốn đầu tư cho các dự án, DNKN, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu, ban hành mới, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn tài chính nhằm đảm bảo cho các DNKN có thể trụ vững. Áp dụng cơ chế tài chính, chính sách thuế đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp ĐMST hoặc đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với DN khoa học và công nghệ…; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp.
Thứ hai, phát triển thị trường tài chính nhằm đa dạng hóa kênh huy động vốn cho DNKN, phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội, tháo gỡ khó khăn về vốn phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu DN; chú trọng tới việc thu hút các nhà đầu tư “thiên thần” và các Quỹ Đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ DNKN ở giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam.
Thứ ba, về phía các DNKN cần trang bị tốt hơn kiến thức về tài chính và huy động vốn để có thể tiếp cận và kêu gọi vốn đầu tư thành công. Thúc đẩy tài chính DNKN từ cả phía cung và phía cầu sẽ đảm bảo thành công lớn hơn của các DNKN Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, từng bước xây dựng nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tài liệu tham khảo:
Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Đặng Thị Việt Đức, Đỗ Thu Hà (2018), “Nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2018;
Phạm Tiến Đạt (2018), "Cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2018;
The Australian Trade and Investment Commission (2019), Vietnam’s innovation ecosystem 2019.