Thực trạng phát sinh và biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo Quang Bình/Báo Sóc Trăng

Là tỉnh có tỷ trọng ngành nông nghiệp lớn, Sóc Trăng hiện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 212.550ha; trong đó, đất trồng lúa hơn 149.160ha, đất trồng cây hàng năm khác 19.108ha, đất trồng cây lâu năm 44.283ha. Diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 320.000ha, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày 60.000ha, cây ăn trái 28.500ha, nên nhu cầu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở Sóc Trăng rất cao.

Cần ý thức hơn trong việc thu gom, xử lý rác thải từ nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phương Anh
Cần ý thức hơn trong việc thu gom, xử lý rác thải từ nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phương Anh

Theo ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, rác thải nhựa trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV đã thải ra một lượng lớn từ vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón. Công tác thu gom hàng năm trên địa bàn tỉnh từ các chương trình, kế hoạch trên 45% vỏ, bao gói thuốc BVTV và 100% bao bì phân bón (bao bì từ phân bón tái sử dụng).

Trong năm 2021, Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng đã thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại 11 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh, với số lượng 1.665kg; phối hợp Công ty TNHH Thương mại Tân Thành thu gom 39.000 vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đem tiêu hủy, với số lượng 1.750kg; phối hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phát động thực hiện Chương trình “Môi trường sạch - Cuộc sống xanh” tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại 4 xã: Mỹ Bình, Mỹ Quới (TX. Ngã Năm) và Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành (huyện Thạnh Trị), với số lượng 2.112kg đem tiêu hủy tại nhà máy ximăng Insee huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Trái Đất Xanh huyện Đức Hòa (Long An). Số lượng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng mà ngành Nông nghiệp quản lý hiện tại là 235 bể, phân bổ tại các huyện, thị xã, thành phố.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng nói riêng có nhiều chuyển biến và thách thức mới, để theo kịp với những nước có nền chăn nuôi phát triển trong khu vực và trên thế giới, ngành chăn nuôi có những tiến bộ về mặt chất lượng, như: con giống, chất lượng thịt và năng suất chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Cùng với xu hướng đó, ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trong chăn nuôi càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng theo ông Trần Tấn Phương, nguyên nhân được xác định là ống dẫn nước tại hệ thống chuồng trại, hệ thống thu gom nước thải, bao bì đựng thức ăn, chai lọ thuốc thú y...

Qua khảo sát các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, trung bình lượng rác thải nhựa sử dụng ở các trang trại quy mô lớn là 100kg/trang trại/năm, quy mô vừa là 70kg/trang trại/năm; còn đối với trang trại quy mô nhỏ và nông hộ, đa phần ít sử dụng vật liệu làm bằng nhựa. Các trang trại quy mô lớn, quy mô vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thực hiện ký hợp đồng với đội thu gom và xử lý rác thải của địa phương hoặc có xây lò đốt, hố để đốt các loại nhựa không cần thiết như: vỏ chai vắc xin, bao bì thuốc thú y và các loại vật dụng khác. Trang trại quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ chưa ý thức hết được tác hại của chất thải nhựa từ các vật dụng có liên quan đến thuốc thú y, vắc xin có thể làm phát tán dịch bệnh từ cơ sở chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Song song đó, ngành thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hàng năm sản xuất thủy sản đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong sản xuất thủy sản luôn được quan tâm, trong đó việc giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản cần từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh. Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 996 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó có 336 tàu cá khai thác xa bờ, tổng số lao động hoạt động nghề cá toàn tỉnh khoảng 307.665 người, trong đó số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển ước tính khoảng 8.600 người. Việc ngư dân sử dụng vật liệu bảo quản sản phẩm, trong đó có bọc, xốp để bảo quản thủy sản trên biển rất nhiều. Trong quá trình sử dụng, nếu phao, xốp, bọc bị hỏng, người dân vứt bỏ xuống biển, trôi nổi trên mặt biển, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường…

Từ những thực trạng nêu trên, để giảm thiểu rác thải nhựa trong thời gian tới, theo ông Trần Tấn Phương, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Thực hiện các biện pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp xử lý, cải tạo môi trường, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Phối hợp các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải từ nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV, thuốc thủy sản, thuốc thú y sau sử dụng.

Cũng theo ông Trần Tấn Phương, trong thời gian tới cần xây dựng thêm các bể chứa ở những vùng trọng điểm sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và kho lưu chứa rác thải nhựa để thu gom, tập kết rác thải nhựa từ lĩnh vực nông nghiệp để mang đi xử lý, tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hàng năm cấp kinh phí cho việc tổ chức thu gom, xử lý rác thải nhựa trong nông nghiệp.