Thương mại điện tử – đòn bẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
“Việt Nam đang ở vị trí ưu thế để gặt hái những lợi ích đáng kể từ tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử”.
Đó là nhận xét từ báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) khi cho rằng các lợi thế chủ yếu của Việt Nam lại chính từ những hạn chế từ đại dịch, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng, môi trường chính sách thuận lợi cho xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Báo cáo của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) cho biết kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng) năm ngoái. Con số này chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.
Nhiều chuyên gia đều khẳng định thương mại điện tử xuyên biên giới có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số mà Chính phủ đề ra. Đây được đánh giá là “đòn bẩy” quan trọng cho hàng Việt Nam thời gian tới.
“Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) nhận định.
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng: Thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử đang là trụ cột chính của kinh tế số và thể hiện qua doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Nếu như năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, dự kiến năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với xuất khẩu của Việt Nam, Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết: "Xuất khẩu là mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngày nay, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, đây là thời điểm cất cánh xuất khẩu bằng cách thúc đẩy số hoá và đẩy nhanh ứng dụng TMĐT trong xuất khẩu, để không dừng lại chỉ ở gia công và xuất khẩu sản phẩm mà còn xuất khẩu chính thương hiệu của mình. Một trong những sứ mệnh ưu tiên của Amazon Global Selling Việt Nam là thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua TMĐT xuyên biên giới".
Cùng quan điểm trên, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) chia sẻ, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt chục tỷ USD sau 4 năm nữa. Tuy nhiên, để con số này thành hiện thực, doanh nghiệp Việt cần vượt qua 4 rào cản chính về quy định của thị trường nhập khẩu, năng lực cạnh tranh, chi phí tiếp thị hay logistics và thông tin thị trường.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại, hiện Chính phủ đã có một số chính sách như hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng theo Nghị định 80, kích cầu thương mại điện tử xuyên biên giới theo Quyết định 645 hay đề án đào tạo 5.000 doanh nghiệp có kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới để tham gia vào các nền tảng phân phối toàn cầu.
Ngoài ra còn phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Amazon, Alibaba,… tổ chức nhiều khóa tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam có thêm kiến thức xuất khẩu.
Về những mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích đối với doanh nghiệp Việt Nam, Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết: "Xuất khẩu là mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngày nay, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, đây là thời điểm cất cánh xuất khẩu bằng cách thúc đẩy số hoá và đẩy nhanh ứng dụng TMĐT trong xuất khẩu, để không dừng lại chỉ ở gia công và xuất khẩu sản phẩm mà còn xuất khẩu chính thương hiệu của mình”.
Và theo Amazon Global Selling Việt Nam, một trong những sứ mệnh ưu tiên của Amazon Global Selling Việt Nam là thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Hơn nữa, khi đánh giá tình hình xuất khẩu B2C xuyên biên giới, ông Gijae Seong chia sẻ thêm: “Tốc độ phát triển xuất khẩu trên Amazon của Việt Nam đang cao nhất thế giới và đang được tập đoàn chú ý. Không nhiều nước xây dựng được mô hình xuất khẩu xuyên biên giới như tại đây”. Lý do là bởi số lượng nhà bán hàng mới tăng mạnh và nhanh nhạy. Việt Nam lại có thế mạnh năng lượng dồi dào.
Trong năm vừa qua, đã có tới 1.300 doanh nghiệp diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam được tham gia các lớp đào tạo tập huấn với rất nhiều kiến thức nền tảng về thương mại điện tử và thương mại điện tử toàn cầu. Qua đó, doanh nghiệp không chỉ có gian hàng cố định trên Amazon, Alibaba mà còn có thêm động lực phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Đây là dấu hiệu tích cực, đem lại lợi ích to lớn cho cả Nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí vận hành. Đặc biệt làm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng lực ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này nhằm tạo ra môi trường thương mại điện tử mạnh mẽ và linh hoạt, thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng Việt và mở rộng thị trường thông qua nền tảng thương mại điện tử.