Xuất khẩu hàng hoá có tín hiệu “ấm dần”


Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá đã cải thiện hàng tháng (kể từ tháng 5 đến nay) cho thấy mức tăng trưởng âm của xuất nhập khẩu đã được thu hẹp.

Một số ngành xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, dệt may đã nhận được đơn hàng trở lại
Một số ngành xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, dệt may đã nhận được đơn hàng trở lại

Đây là một trong những diễn biến kinh tế đáng chú ý gần đây được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra. Theo đó, xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam tiếp tục nằm trong vùng suy thoái. Sự suy giảm trong thương mại hàng hóa phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ và EU khiến xuất khẩu giảm lần lượt 19,1% và 8,3% (so với cùng kỳ) trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể từ tháng 5 đến nay, xu hướng xuất khẩu và nhập khẩu đã có sự cải thiện, mức tăng trưởng âm của cả xuất khẩu và nhập khẩu đã được sự thu hẹp dần. WB nhận định, sự sụt giảm trong xuất khẩu có thể đã chạm đáy và một số tín hiệu tích cực đã được ghi nhận khi sản xuất đồ nội thất và dệt may được cải thiện trong hai tháng (tháng 7 và tháng 8 năm 2023) so với một năm trước đó.

Điều này phản ánh kỳ vọng nhu cầu bên ngoài được cải thiện trước mùa Giáng sinh và điều chỉnh tăng trưởng ở Mỹ , Nhật Bản vào năm 2023. Ngoài ra, chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tăng lên 50,5 vào tháng 8 năm 2023, sau 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng suy giảm (từ tháng 3 - 7) cho thấy sự cải thiện nhẹ trong điều kiện kinh doanh.

Trong khi đó, trên cơ sở số liệu thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 8 đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9%, Bộ Công Thương cho biết, những dấu hiệu phục hồi đã nhìn thấy rõ hơn, hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều lấy lại đà tăng trưởng so với tháng trước đó. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 8,7% cao hơn khu vực FDI đồng thời cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước.

Những tín hiệu trên, theo Bộ Công Thương, đã có những kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục chủ động sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, khai thác tốt hơn những lợi thế từ các FTA.

Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khởi sắc hơn. Ngoài nội lực trên của doanh nghiệp, các yếu tố khách quan trong nước và quốc tế tạo thêm thuận lợi. Đó là lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu; hàng tồn kho tại các nước đang giảm dần trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa có xu hướng tăng cao hơn vào cuối năm.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu thông tin và tham gia giao thương trực tiếp để nắm bắt tốt hơn các cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt, từ cuối năm nay, ở một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách, cơ chế, thủ tục liên quan đến chứng nhận sản xuất bền vững, sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường, trách nhiệm xử lý, tái chế hoặc sửa chữa sản phẩm…

Theo Hạnh Lê/Diendandoanhnghiep.vn