Chuyển đổi sản xuất xanh để xuất khẩu bền vững vào EU
Những yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững của EU đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất hẩu sang thị trường này. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sản xuất xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của EU, qua đó tăng trưởng xuất khẩu bền vững vào thị trường đầy tiềm năng này.
Yêu cầu cao hơn từ "tiêu chuẩn xanh"
Sau 3 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cho thấy, kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam - EU đã trở thành hiện thực.
Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.
Tuy nhiên, những lợi thế và kết quả này phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững… với hàng hóa nhập khẩu, gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi xanh - yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 19/9/2023, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA là một hiệp định có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến vấn đề này đặc biệt là về môi trường, lao động.
Bà Nguyễn Hồng Loan - Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên gới cacbon (CBAM) nhận định, EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao và các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ rất sớm.
Gần đây, các quy định này được thực hiện chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, quy định gần đây được phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2023 là CBAM của EU sẽ áp dụng định giá carbon với các sản phẩm xuất khẩu.
Chuyển đổi để thích ứng
Hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu của thế giới, không chỉ riêng EU. Do đó, chuyển đổi sản xuất hướng tới xanh hơn, bảo vệ môi trường nhờ cắt giảm phát thải trong quá trình sản xuất là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn khai thác kênh xuất khẩu, tận dụng các FTA đang có hiệu lực.
Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà là thách thức với cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tại thị trường này. Do đó, để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường.
Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để nhận được ưu đãi. Đồng thời, cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của nước sở tại, thậm chí là thói quen tiêu dùng, sở thích của người dân như hàng hóa thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, dán nhãn carbon, có chứng nhận tự nguyện về môi trường, đảm bảo về lao động…
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững EU đặt ra.
Một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào EU hiện nay là nông sản. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này, Bộ Công Thương đã lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn… Các quy định nhập khẩu của EU đối với nông sản nói chung và rau quả nói riêng rất khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng các quy định đưa ra.