Thương mại điện tử xuyên biên giới: Thích ứng để hàng Việt ra thế giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu thế trong xuất khẩu. Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng để đưa hàng Việt đến với thị trường toàn cầu.
Cơ hội lớn xuất khẩu hàng hoá
Thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một xu hướng tất yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp Việt Nam đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn được nhấn mạnh là giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành và hoạt động so với việc mở rộng truyền thống qua các chi nhánh nước ngoài; đồng thời giúp tối ưu hóa quản lý hàng hóa, quản lý kho và giao hàng, tận dụng các đối tác vận chuyển toàn cầu và giải pháp quản lý chuỗi cung ứng thông minh, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu giao hàng của khách hàng.
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” mới đây, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử. “Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với các mặt hàng thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… Theo đó, dư địa, tiềm năng xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là còn rất lớn” - bà Lại Việt Anh cho hay.
GS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chỉ rõ, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay đang có nhiều cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt là Việt Nam gần với thị trường rất lớn là thị trường Trung Quốc, chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, hiện doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba, Timo... để các hàng hóa trên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, qua đó kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.
Trong một thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... Đáng chú ý, trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300%. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần.
Giải pháp tận dụng cơ hội
Hiện tại, thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian tới, để có thể tận dụng hiệu quả kênh xuất khẩu này bên cạnh có một hành lang pháp lý thuận lợi, doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng với những quy định của thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, tại các hội thảo quốc tế đã bàn nhiều hơn về thương mại số, kinh tế. Trong đó, đề cập nhiều hơn về những câu chuyện mặt hàng lớn, quy mô lớn. Do đó, chúng ta bên cạnh hoàn thiện cái đang làm, cần làm cho tốt hơn để bắt kịp xu thế phát triển của thị trường, đồng thời phải chuẩn bị cho xu thế phát triển mạnh mẽ hơn của hoạt động thương mại điện tử toàn cầu.
Nhấn mạnh thêm, ông Võ Trí Thành cho rằng, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ Việt Nam nói chung và kể cả thương mại điện tử Việt Nam vẫn cơ bản chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài. “Do vậy, cũng giống như xuất nhập khẩu nói chung, doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao vươn lên bứt phá, tron đó chú trọng xây dựng được thương hiệu Việt Nam, có được những cái nền tảng kết nối tảng lớn của quốc tế ”- ông Thành khuyến nghị.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế này nêu, Việt Nam hiện nay có 5.000 – 6.000 mặt hàng OCOP, tuy vậy số hàng xuất khẩu còn rất ít. Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trực tuyến cần đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, mức độ quy mô, hàng hoá đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh, an toàn, nhân văn. Đặc biệt, “Hàng hoá phải gắn với những câu chuyện của Việt Nam, đó là con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam, cách làm Việt Nam”- ông Thành cho hay.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Vì thế hàng hoá Việt Nam để vươn ra thị trường toàn cầu, chúng ta cần cân nhắc rất nhiều đến yếu tố phát triển bền vững. Từ góc độ này, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong thương mại điện tử cũng sẽ có vai trò nhất định. "Chúng ta phải thúc đẩy số hoá của quy trình sản xuất trong chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình sản xuất… để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế"- bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn chỉ rõ thêm, vấn đề cốt lõi của thương mại điện tử xuyên biên giới chính là sử dụng, ứng dụng công nghệ số để truy xuất được sản phẩm tử vùng trồng, từ nơi sản xuất liên quan đến vấn đề môi trường, giảm phát thải carbon cũng như hệ thống dịch vụ logistics. Mặt khác, việc thúc đẩy số hóa, liên thông dữ liệu trực tiếp với các cơ quan có liên quan cũng như Hải quan, Biên phòng của các nước sở tại sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thương mại điện tử để xuất khẩu hàng hoá.