Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ: Phát huy đối thoại chính sách, tiếp tục tăng trưởng trong 'bình thường mới'

Theo Phan Trang/baochinhphu.vn

Trong bối cảnh mới, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng và tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại bởi đại dịch.

Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới”. Ảnh: VGP
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới”. Ảnh: VGP

Nhằm cung cấp thông tin, cập nhật về định hướng xây dựng chính sách phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam và Hoa Kỳ, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững, ngày 7/12, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham Hà Nội) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ (USABC) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Liên quan đến tình hình thị trường Hoa Kỳ hiện nay, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thông tin, kinh tế Hoa Kỳ đang có sự phục hồi và tăng trưởng khá. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch đang để lại di chứng nặng nề, thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng, kể cả hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng ổn định sản xuất, tăng tốc, tiếp tục bảo đảm chuỗi cung hàng hóa sang Hoa Kỳ. Đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chính, thị trường sản xuất quan trọng đối với Hoa Kỳ về mặt hàng dệt may, da giày.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội cho biết, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhiều công ty của Hoa Kỳ đang tính đến giải pháp "hướng nội", bằng cách các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp miền Nam, hướng trở lại các nghề sản xuất, các chuỗi cung ứng gần gũi người tiêu dùng của họ hơn. Bà Virginia Foote nhận định "đây là thách thức cho Việt Nam".

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội vẫn nhìn nhận "tươi sáng" khi đánh giá Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục và giữ vị thế cạnh tranh lớn trong khu vực. Để khôi phục sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Virginia Foote cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần tiêm đầy đủ vaccine cho người dân, công nhân lao động.

Ngoài ra, bà Virginia Foote góp ý về việc cần thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa chính sách thuế Việt Nam và chính sách thuế Hoa Kỳ. Bởi, nếu chính sách thuế thuận lợi, thủ tục hành chính bớt rườm rà sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cả hai nước.

Cũng tại Diễn đàn, bà Beth Huges, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA) cam kết tiếp tục ủng hộ và duy trì mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Việt Nam, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng may mặc.

Bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng đề nghị hợp tác một số lĩnh vực tiềm năng giữa hai bên.

Có thể kể đến như: Về năng lượng, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu và giải quyết về vấn đề biến đổi khí hậu, bảo đảm nền kinh tế năng động, hợp tác tìm giải pháp bền vững nhất trong vấn đề phát triển pin, năng lượng mặt trời, dự án điện gió, sớm ký hiệp định mua bán trực tiếp và hoàn tất Sơ đồ điện VIII, thúc đẩy hợp tác năng lượng sạch; về y tế, Hoa Kỳ mong muốn giới thiệu nhiều công ty mới hợp tác đầu tư tại Việt Nam về công nghệ y tế hiện đại; về thương mại số, Hoa Kỳ có thể cung cấp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ như công nghệ điện tử...; về lĩnh vực hàng không, Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng công nghệ, phát triển sân bay với công nghệ mới nhất…

Ngoài ra, còn có lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp... cũng là những tiềm năng hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới.

Tăng cường kết nối, đàm phán, chia sẻ thông tin

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Trong đó, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, góp phần đưa tổng thể quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 89,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 76,7 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ 2020; chiếm tỉ trọng 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,9 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, chiếm tỉ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10/2021, Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.134 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,72 tỷ USD. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục.

Để tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) nhằm tạo ra khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

“Đặc biệt, trong trạng thái 'bình thường mới', Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại bởi đại dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các diễn giả cũng đưa ra những đánh giá dưới góc độ của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp về những tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu song phương; chia sẻ về phương thức tiếp cận, phát triển thị trường và xây dựng năng lực, thích ứng với các yêu cầu, quy định kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ; đồng thời đưa ra giải pháp phát triển xuất nhập khẩu và thu hút nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ trong trong trạng thái “bình thường mới” và trong “bối cảnh mới”.