Thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2019

Theo Hà My/nhadautu.vn

Năm 2019, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2018.

Năm 2019, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Nguồn: internet
Năm 2019, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Nguồn: internet

Cụ thể, trong năm 2019, toàn ngành đặt mục tiêu đạt được các chỉ tiêu sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 4,25% so với 2018; trong đó tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng là 5,19%; tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác là 2,72%.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 phấn đấu đạt 7.983,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; trong đó sản lượng khai thác đạt 3.680,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 4.303,3 nghìn tấn, tăng 3,6% (Trong đó: sản lượng cá tra 1.468,9 nghìn tấn, tăng 3,0%; sản lượng tôm các loại 852,0 nghìn tấn, tăng 6,5%), theo thống kê của Tổng cục Thủy sản.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành thủy sản cần tập trung vào các giải pháp như: Đối với lĩnh vực khai thác, cần rà soát, đánh giá lại kế hoạch trung và dài hạn để sắp xếp và hình thành nghề cá bền vững; Cần cải thiện và nâng cấp  các thiết chế hạ tầng (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão…); Tập trung phát triển khai thác đại dương xa bờ…

Đối với lĩnh vực nuôi trồng, cần chú trọng phát triển bền vững các đối tượng chủ lực, nâng cao giá trị thông qua tăng cường các sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển thị trường; Cần tận dụng tốt các thủy vực lớn, hệ thống hồ chứa và phát triển hệ thống nuôi nước lạnh để tận dụng tốt nguồn lợi tự nhiên; Phát triển các loài thủy đặc sản, góp phần tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018 ngành thủy sản đã hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản, hoàn thiện một bước về thể chế trong tin thần hội nhập và cầu thị, có thái độ ứng xử minh bạch với vấn đề khai thác bất hợp pháp, thực hiện công tác tái cơ cấu ngành, có bước đột phát trong phát triển đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) và xử lý tốt tình huống để duy trì và ổn định mở rộng sản xuất, kiểm soát tình hình sản xuất và phát triển liên kết chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, nhiều quốc gia quay trở lại xu thế bảo hộ mậu dịch; trong nước, ngành Nông nghiệp nói chung và Thủy sản nói riêng tiếp tục tiến hành hoàn thiện thể chế, tổ chức và tái cơ cấu ngành. Đặc biệt, năm 2018 là năm bản lề chuẩn bị cho việc thực thi Luật Thủy sản 2017 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Cùng với đó, sự kiện EC cảnh báo thẻ vàng đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam cũng là nhân tố quan trọng tác động tới ngành Thủy sản trong năm 2018.

Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2017, trong đó sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 3,59 triệu tấn (tăng 6,0% so với năm 2017), đó khai thác biển đạt gần 3,4 triệu tấn, khai thác nội địa 218.000 tấn. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%. 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017: cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%.