Tỉnh Quảng Nam:
Tiền đâu để đầu tư phát triển miền núi?
Dự kiến cần hơn 26.907 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam cho giai đoạn 2021 - 2025. Tiền đâu để thực hiện tham vọng kéo miền núi tiến kịp miền xuôi là chuyện không dễ có câu trả lời.
Nguồn lực đầu tư công hơn 9.712 tỷ đồng
Không thể phủ nhận Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020 đã trở thành một “cuộc cách mạng” thay đổi bộ mặt và sinh khí miền núi. Nguồn lực đầu tư công hơn 9.712 tỷ đồng (chiếm 37%/tổng vốn đầu tư toàn Quảng Nam) chưa thể giúp khoảng cách thu nhập dân cư miền núi “kịp” đồng bằng, nhưng đã giúp thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng gấp đôi 2016 (20,47 triệu đồng), giải quyết an ninh lương thực tại chỗ và kéo theo hàng loạt thay đổi.
Đơn cử, mỗi năm giảm 3.130 hộ nghèo (dù tỷ lệ vẫn còn đến 18,09% thay vì 13,11% như ước định), độ che phủ rừng đạt 67,5%, có 42,3% số lao động qua đào tạo, gần 70% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, có đến 80% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, hơn 80% số xã có rác thải sinh hoạt được thu gom...
Sự thay đổi cũng dễ nhìn thấy ở khu vực này khi công nghiệp - xây dựng đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế miền núi (52,2%). Những dự án đầu tư bắt đầu ngược nguồn, thâm nhập vùng cao với 77 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 11.450 tỷ đồng (63 dự án đầu tư ngoài cụm công nghiệp và 14 dự án đầu tư trong cụm công nghiệp).
Một số dự án đầu tư lớn như nhà máy sản xuất ván ghép thanh và viên nén năng lượng tại Hiệp Đức của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức (535,7 tỷ đồng), Thủy điện Trà Linh 2 Nam Trà My của Công ty CP thủy điện Ngọc Linh (864 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang của Công ty CP sinh thái Hang Gợp (2.600 tỷ đồng).
Cư dân địa phương đã biết sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, dịch vụ môi trường rừng. Các loại dược liệu (sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đảng sâm, sa nhân...), nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề hay các cụm công nghiệp, công nghiệp chế biến lâm sản, các sản phẩm OCOP miền núi đã trở thành sinh kế.
Nhiều hợp tác xã ra đời dần thích ứng với những thay đổi của thị trường, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân miền núi... Không thể chối bỏ điều kiện tự nhiên, điểm xuất phát thấp và nguồn lực có hạn đã hạn chế miền núi phát triển.
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho hay, dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng công nghiệp miền núi dựa vào thủy điện và khai thác khoáng sản. Một số nhà máy chế biến nông lâm sản đã được hình thành, chủ yếu chế biến gỗ. Nhà đầu tư dự án chế biến nông sản đã xuất hiện, nhưng tỷ trọng còn quá nhỏ. Không cơ sở sản xuất, kinh doanh giống gia súc, gia cầm...
Quy mô kinh tế hàng năm có tăng trưởng nhưng chậm, chưa có sự chuyển dịch rõ nét. Thu ngân sách nội địa năm 2020 chỉ chiếm 6,74% so với thu nội địa toàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020 tỷ trọng thu nội địa miền núi chỉ dao động 5,5 - 6,9%
Thêm lực cho miền núi
Các nhà hoạch định chính sách lạc quan với triển vọng miền núi Quảng Nam nằm ở cửa ngõ phía tây. Khu vực này là nhịp cầu nối liền giữa các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên và Lào thông qua các tuyến quốc lộ 14E, 14B, 14D, 14G và đường Nam Quảng Nam (quốc lộ 14B).
Cửa khẩu Nam Giang đã được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế, tạo cơ hội thông thương các nước thuộc khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.
Một đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2021 - 2025 sắp được trình HĐND tỉnh nhằm tạo hạ tầng kết nối, hoàn thành việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, giảm nghèo, khai thác hợp lý tài nguyên, tiềm năng miền núi, tạo đột phá qua các nhóm dự án quan trọng.
Kế hoạch phát triển này dự kiến cần hơn 26.907 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng đầu tư cho các ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chỉ khoảng 11.467 tỷ đồng. Có thể thấy số tiền đáp ứng cho miền núi vốn chỉ dành cho các mức hỗ trợ theo chương trình, nghị quyết...
Còn nhu cầu đầu tư các khu tái định cư phục vụ cho công tác sắp xếp ổn định dân cư và phòng chống thiên tai, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh kế, các tuyến giao thông chính đảm bảo kết nối liên vùng liên huyện và các hạ tầng khác... vẫn trong thời gian nghiên cứu, xúc tiến; chỉ được ưu tiên đầu tư khi xuất hiện nguồn.
Những con đường xuyên vùng Đông, nối thông lên vùng Tây chỉ đủ để rút ngắn khoảng cách thời gian. Các chương trình hỗ trợ không đủ lực tác động, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực này.
Đầu tư hạ tầng chỉ là một phần và nó không quyết định được số phận miền núi có phát triển được hay không, chính nhân lực mới là điều quyết định. Những sản phẩm có tính cạnh tranh như quế Trà My, sâm Ngọc Linh, dược liệu khác chưa có mô hình cụ thể đã không có nhiều không gian để phát triển...
Không có các dự án đầu tư sẽ chẳng có đột phá nào về kinh tế. Cuộc sống người dân phía tây không thể tốt hơn được. Miền núi phát triển nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào thiện chí của các địa phương, nhưng thiếu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp thì đừng nói đến chuyện phát triển.
Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho hay, đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi cần được đánh giá kỹ lưỡng. Không thể đầu tư dàn trải. Đầu tư đồng bộ, trọng điểm nhất vẫn là giao thông. Nhưng miền núi rộng, không thể “rải mành mành”, chọn điểm thay vì diện để đầu tư, hạn chế xẻ núi, phá rừng vì đầu tư đâu, sạt lở đó.
Định hướng chủ lực là con gì, cây gì để xây dựng các chính sách liên kết cụ thể. Không thể nói là kinh tế vườn, kinh tế trang trại hay các sản phẩm OCOP chung chung.
“Giai đoạn này vẫn ưu tiên vốn cho hạ tầng giao thông là chủ yếu. Các nhu cầu khác như ưu tiên cho sản xuất hay thu hút đầu tư chưa được tính đến. Sẽ phải cân nhắc, nếu thông qua đề án thì phải giải trình cho được tiền đâu để đầu tư xây dựng?” - ông Phương nói.