Cách quản lý kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025.
Dự thảo Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Dự thảo không áp dụng đối với các khoản tài trợ, viện trợ thuộc ngân sách nhà nước đã có hướng dẫn riêng của cấp có thẩm quyền về chế độ chi tiêu tài chính.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng sẽ là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình.
Dự thảo quy định rõ về nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình. Theo đó, đối với ngân sách trung ương, sẽ bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình.
Dự thảo cũng bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.
Đối với ngân sách địa phương, Dự thảo nêu rõ, các địa phương chủ động bố trí kinh phí cùng với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Về việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, dự thảo qu định việc lập dự toán, phân bổ dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn Luật; cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định tại dự thảo Thông tư này. Các cơ quan, đơn vị được phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo đúng chế độ quy định.
Khi quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phân bổ và giao dự toán đồng thời gửi báo cáo quyết toán và thông báo quyết toán về cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 để tổng hợp, báo cáo quyết toán Chương trình hàng năm, trình Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt.
Việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ, duy tu, bảo dưỡng thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Riêng đối với vật liệu xây dựng và những hàng hóa mua của người dân trực tiếp làm ra, chứng từ thanh toán là giấy biên nhận mua bán với các hộ dân theo giá phù hợp mặt bằng chung của thị trường trên địa bàn.
Đối với các hoạt động, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị được giao dự toán ký hợp đồng với các cơ quan, đơn vị khác thực hiện, tài liệu làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan, đơn vị được giao dự toán gồm: hợp đồng, hợp đồng với các cơ quan, đơn vị khác thực hiện; tài liệu làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan, đơn vị được giao dự toán gồm: hợp đồng, biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, báo cáo quyết toán (hoặc báo cáo tổng hợp) kinh phí của cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng ký kết, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác.
Bộ Tài chính quy định, cơ quan, đơn vị thực hiện hợp đồng có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã ký kết, trực tiếp sử dụng kinh phí theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; lập báo cáo quyết toán số kinh phí được cấp theo quy định (hoặc báo cáo tổng hợp kinh phí thực hiện các công việc theo hợp đồng đã ký kết nếu cơ quan, đơn vị thực hiện không phải là cơ quan, đơn vị nhà nước) gửi cơ quan, đơn vị ký hợp đồng.
Đối với các dự án có nội dung hỗ trợ hộ gia đình, việc hỗ trợ đối với hộ gia đình thực hiện thông qua người đại diện của gia đình. Người đại diện của gia đình nhận hỗ trợ là người được các thành viên từ 18 tuổi trở lên trong hộ gia đình đồng ý ủy quyền (bằng văn bản) thay mặt gia đình nhận hỗ trợ.
Cơ quan hỗ trợ lập Bảng kê hỗ trợ hộ gia đình, trong đó ghi rõ họ và tên, địa chỉ người được hỗ trợ; số tiền hỗ trợ hoặc tên, loại hiện vật hỗ trợ; chữ ký hoặc dấu tay điểm chỉ của người được hỗ trợ làm chứng từ thanh toán, quyết toán.