Tỉnh Quảng Nam:

Cần hơn 23,7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho miền núi giai đoạn 2021 - 2025

Theo Trịnh Dũng/Báo Quảng Nam

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư công cho khu vực miền núi với tổng vốn đầu tư hơn 9.350 tỷ đồng (tăng 1,2 lần so giai đoạn 2011 - 2015), chiếm 36,59% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.

Quảng Nam cần hơn 23,7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho miền núi giai đoạn 2021 - 2025 . Ảnh: T.D
Quảng Nam cần hơn 23,7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho miền núi giai đoạn 2021 - 2025 . Ảnh: T.D

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020, ngoài nguồn vốn đầu tư xã hội, Quảng Nam đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư công cho khu vực miền núi với tổng vốn đầu tư hơn 9.350 tỷ đồng (tăng 1,2 lần so giai đoạn 2011 - 2015), chiếm 36,59% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Ngân sách tỉnh chiếm gần 60%, ngân sách trung ương chiếm 34,95% và vốn ODA chiếm 5,45%.

Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ cần hơn 23,7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho miền núi. Tuy nhiên, ngoài khả năng đáp ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 dự kiến 12.178 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư công toàn Quảng Nam thì nhu cầu đầu tư cho miền núi chưa có trong kế hoạch trung hạn (2021 - 2025) khoảng 11.552 tỷ đồng cần nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm nguồn lực.

Nguồn lực này sẽ dành cho các chương trình định canh, định cư, kinh tế mới, xây dựng nhà ở, nhà cộng đồng kết hợp tránh trú bão cho người dân, hạ tầng giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai, giáo dục, đào tạo nghề, môi trường, nước sạch, y tế, kiến thiết thị chính...

Cũng theo tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm qua (2016 - 2021), đã có 77 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 11.432,6 tỷ đồng đầu tư vào khu vực 9 huyện miền núi, chiếm khoảng 19%/tổng vốn đầu tư tư nhân toàn tỉnh, bao gồm 74 dự án nội địa và 3 dự án FDI.

Chiếm nhiều nhất là các dự án công nghiệp (44 dự án, chiếm 50,4% tổng vốn đầu tư khu vực này), du lịch - dịch vụ (8 dự án với vốn đăng ký chiếm 36,1% tổng vốn) và nông nghiệp (25 dự án, chiếm 13,5% tổng vốn).

So với giai đoạn 2010 - 2015, số lượng dự án tăng 37,5% nhưng vốn đăng ký đầu tư giảm 34,4%. Số dự án đầu tư ngoài cụm công nghiệp chiếm nhiều nhất (63 dự án với 23 dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động) và 14 dự án đầu tư trong cụm công nghiệp nhưng chỉ có 3 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.