Tiến độ tuyến đường bộ trọng điểm 6.000 tỷ đồng của Nam Định


Thời điểm này, các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực với hơn 300 nhân công chính và gần 200 máy móc, thiết bị hiện đại để đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển nằm trong quy hoạch mạng lưới đường giao thông của tỉnh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển nằm trong quy hoạch mạng lưới đường giao thông của tỉnh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo tìm hiểu, dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển được HĐND tỉnh Nam Định quyết định chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 2/12/2021 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 17/6/2022; UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 19/7/2022

Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển nằm trong quy hoạch mạng lưới đường giao thông của tỉnh Nam Định đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, được chính quyền tỉnh xác định là công trình "trọng điểm của trọng điểm".

Chiều dài toàn tuyến khoảng 24,7km, với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, quy mô đường cấp I đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 39m, mặt đường 8 làn xe, giải phóng mặt bằng trên phạm vi toàn tuyến với mặt cắt ngang khoảng 100m.

Dự án này có điểm đầu khớp nối với dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định, địa phận xã Nam Cường, huyện Nam Trực và điểm cuối khớp nối với dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển nút giao huyện Hải Hậu và Giao Thủy.

Sơ bộ toàn tuyến sẽ có 11 cầu, trong đó có 2 cầu lớn, 2 cầu chung và 7 cầu nhỏ. Trong ảnh là cầu vượt sông Châu Thành (thuộc địa phận 2 xã Hồng Quang và Nam Cường, huyện Nam Trực).

"Cầu vượt sông Châu Thành là một trong những nút giao trọng điểm đầu tuyến. Tại đây, hiện đang có gần 100 công nhân làm việc, chia ca ngày đêm để đảm bảo tiến độ thi công", ông Trần Đức Hưng, đại diện Ban Quản lý dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển chia sẻ.

Dự án đi qua 5 huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy. Tại nút giao với tỉnh lộ 485B (giáp ranh giữa 2 xã Nam Hoa và Nam Hồng, huyện Nam Trực) đang được rải đất làm nền.

Cũng theo Ban Quản lý dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, thời điểm này, các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực khoảng hơn 300 nhân công chính và gần 200 máy móc, thiết bị để đảm bảo tốt tiến độ hợp đồng và phấn đấu đến quý II năm 2025 sẽ hoàn thành dự án.

Được biết, dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông của tỉnh Nam Định, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia.

Đồng thời, giảm tải cho Quốc lộ 21 hiện đang rất chật hẹp, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các huyện phía Nam của tỉnh đi vào trung tâm thành phố Nam Định, tới Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, tuyến đường quan trọng này khi hoàn thành sẽ đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng và hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh. Với những ưu điểm quan trọng sau, dự án hứa hẹn mang lại những đổi mới tích cực cho cộng đồng và phát triển bền vững cho khu vực.

Dự án cũng sẽ tăng kết nối với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia, giảm tải cho quốc lộ 21 đang rất chật hẹp, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách từ các huyện phía nam tới thành phố Nam Định, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, công trình cũng mở ra không gian phát triển cho các huyện phía nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có dự án đi qua và của tỉnh.

Về tiến độ thi công, dự án có 3 gói thầu chia thành 3 phân đoạn, đều đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký. Các nhà thầu thi công phấn đấu thi công trên phần đất nông nghiệp đã bàn giao, đến Quý II/2025 cơ bản hoàn thành nền, móng mặt đường, các cống, cầu nhỏ và kết cấu chính các cầu lớn trên tuyến.

Tại phân đoạn 1 (đoạn Km0 - Km15+740 và nhánh kết nối QL21) giá trị khối lượng thực hiện khoảng 300/2.174,74 tỷ đồng, đạt 13,79%; cầu vượt QL21B (Km0+00) đã thi công 96/132 cọc khoan nhồi và thân bệ trụ các trụ từ T1 đến T6, đúc 38/96 dầm Super T và đang đắp gia tải nền đường đầu cầu phía mố M1 và M2; đào nền 9/15,7km, đắp nền cát K90 7,5/15,7 km...

Tiếp đó, phân đoạn 2 từ (Km15+740 đến Km19+00) giá trị khối lượng thực hiện khoảng 105/879 tỷ đồng, đạt 11,9%; đào nền 1,676/3,26 km; đắp cát K90 1,676/3,26 km, đắp cát K95 0,75/3,2 km, cát thoát nước 1,53/1,95 km, cọc cát 1,40/1,95 km; thi công đào nền, đắp cát các nhánh nút giao chân cầu Lạc Quần và đường tỉnh 489C; cống Km17+364 đã xong móng 3/8 đơn nguyên và đúc các cọc bê tông cốt thép.

Phân đoạn 3 từ Km19+00 đến cuối tuyến, giá trị khối lượng thực hiện khoảng 30 tỷ đồng, đạt 2,4%; đào nền 1,77/5,6 km, trải vải địa kỹ thuật 0,672/5,6 km, đắp cát đen 0,672 km; cầu sông Sò khoan nhồi được 21/216 cọc, đang thi công các bệ đúc dầm.

Theo Báo Công Thương