Tiền tệ các thị trường mới nổi thấp nhất 14 năm qua

Theo thoibaokinhtesaigon.vn

(Tài chính) Do đô la Mỹ mạnh lên và giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 5 năm qua cùng với các yếu tố khác, ngày 8/12, chỉ số tiền tệ các thị trường mới nổi JPMorgan EMCI giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm, kể từ khi chỉ số này được thiết lập vào năm 2000.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

JPMorgan EMCI là chỉ số đo lường mức độ mạnh yếu của tiền tệ nhiều nước đang phát triển so với đô la Mỹ.

Nhiều yếu tố tác động tiền tệ

Ngày 8/12, giá dầu thô Brent giảm 4%, xuống dưới 66 đô la Mỹ/thùng - thấp nhất kể từ tháng 10/2009 và đã giảm tới 40% trong năm nay. Là nước phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ, Nga bị tổn thất nặng từ việc giá dầu giảm. Cuối tháng trước, báo Wall Street Journal có một biểu đồ cho thấy để ngân sách chính phủ được cân bằng, Nga và Venezuela cần giá dầu tăng lên các mức tương ứng là 110 đô la Mỹ/thùng và 160 đô la Mỹ/thùng.

Trước đó, báo cáo công bố ngày 5/12 của Mỹ cho thấy số việc làm tháng 11/2014 tăng cao nhất trong 3 năm qua. Số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ giúp chỉ số đô la Mỹ đạt mức cao nhất 8 năm qua trong ngày 5/12. Đô la Mỹ mạnh hơn luôn là dấu hiệu bất ổn với các thị trường mới nổi, cuộc khủng hoảng tại Mỹ La-tin những năm 1980 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong năm những 1990 là những ví dụ điển hình.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng khác nhau - chậm lại khiến xuất khẩu của các thị trường mới nổi sang Trung Quốc giảm.

Ngoài ra, giá hàng hóa giảm cũng tác động mạnh đến các thị trường mới nổi xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên như Nga, Nigeria, Mexico… Trước đó trong tháng này, báo Wall Street Journal có bài viết đề cập so với mức đỉnh của năm 2011, tính đến cuối tháng 11/2014, giá kim loại quý, kim loại công nghiệp và nông sản đã giảm mạnh với các mức tương ứng là 47%, 40% và 35%.

Các yếu tố trên cùng với việc Nga phải đối phó các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây do can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng rúp Nga gần đây đã sụt giảm với biên độ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Tính từ đầu năm đến nay, đồng rúp Nga so với đô la Mỹ đã giảm hơn 63%.

Trong tháng này, đồng Naira của Nigeria so với đô la Mỹ cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, 1 đô la Mỹ đổi được 187 Naira.

Tăng nợ, tiền tệ tiếp tục mất giá

Tiền tệ mất giá đối với một số nước có thể là điều tốt, làm cho hàng hóa xuất khẩu của các nước này có tính cạnh tranh hơn. Nhưng nó cũng khiến giá thành nhập khẩu đắt hơn, từ đó làm tăng lạm phát trong nước, đồng thời làm tăng gánh nặng nợ bằng đô la Mỹ.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương - trong báo cáo đánh giá hàng quí công bố vào cuối tuần qua cho biết trong quí 3/2014, những người đi vay của thị trường mới nổi đã phát hành 2.600 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế tại các thị trường nước ngoài, trong đó 3/4 các khoản nợ này được tính bằng đô la Mỹ. Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng cộng khoản vay qua biên giới của các thị trường mới nổi đạt 3.100 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là khoản vay bằng đô la Mỹ.

Người phụ trách bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS, ông Claudio Borio, cảnh báo nếu đô la Mỹ tiếp tục tăng, có thể làm tăng khoản nợ bằng đô la Mỹ của các thị trường mới nổi. Một khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất cơ bản, dự kiến vào giữa năm sau, môi trường tài chính của các thị trường mới nổi sẽ càng tồi tệ hơn.

Giám đốc bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi của công ty JPMorgan Asset Management tại London, quản lý tài sản trị giá 1.600 tỉ đô la Mỹ, ông Pierre-Yves Bareau, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tuần trước cho biết: "Các thị trường mới nổi đang tăng trưởng chậm hơn, giá cả hàng hóa giảm và xuất khẩu yếu. Chúng tôi sẽ không thay đổi dự báo tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục giảm".