Tiền tệ vẫn “qua lại” trái phép tại biên giới Tây Nam
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới Tây Nam từ đầu năm đến nay vẫn sôi động, các đối tượng hai bên vẫn tổ chức thanh toán tiền hàng lậu gần như liên tục. Cộng vào đó, tình trạng các đối tượng qua Campuchia đánh bạc vẫn chưa giảm đã khiến hoạt động vận chuyển trái phép tiền Việt Nam, ngoại tệ qua biên giới tiếp tục phức tạp.
Theo các lực lượng chức năng, việc vận chuyển trái phép tiền tệ, bao gồm tiền Việt Nam, USD, tiền Riel (Campuchia) qua biên giới của các đối tượng thường để thanh toán tiền hàng giữa các đối tượng mua bán hàng lậu, tiền đánh bạc các đối tượng mang đi-về, tiền các đối tượng mang sang nước láng giềng để mua hàng hoá mang trái phép về bán kiếm lời.
Địa hình biên giới Tây Nam có đường rừng, đường sông, đường ruộng và rất nhiều đường ngang, ngõ tắt qua lại biên giới nên rất “thuận tiện” cho hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đây là “mặt hàng” gọn nhẹ, dễ cất giấu, nguỵ trang khi vận chuyển qua biên giới nên việc đấu tranh, bắt giữ các hành vi này là một điều cực kỳ khó khăn.
Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang cho biết: “Công tác chống buôn lậu nói chung và công tác điều tra, phát hiện bắt giữ các đối tượng vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép qua biên giới cực kỳ khó khăn.
Các đối tượng thường nghiên cứu kỹ địa bàn hoạt động cũng như các phương thức kiểm tra, hoạt động tuần tra của lực lượng hải quan trước khi tiến hành vận chuyển, liên tục thay đổi thủ đoạn, tuyến đường vận chuyển. Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các đối tượng vận chuyển tiền trái phép qua biên giới”.
Ông Tươi cho biết thêm, từ đầu năm 2015 đến nay, Đội Kiểm soát Hải quan, các chi cục hải quan cửa khẩu đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới mà điển hình hình là vụ Đội Kiểm soát Hải quan bắt giữ đối tượng Nguyễn Ngọc Tú vào tối ngày 29/6 vừa qua, tại khu vực Đường Cộ thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc đang trên đường từ Campuchia về Việt Nam. Do nghi vấn đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, các lực lượng chức năng đã mời đối tượng về trụ sở Cục Hải quan An Giang làm việc.
Qua khám người và phương tiện của Tú theo thủ tục hành chính đã phát hiện đối tượng cất giấu 27.410 USD trong người và cốp xe Honda. Số ngoại tệ này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đối tượng khai nhận số tiền trên do thắng cờ bạc tại khu vực Gò Tà Mâu (Campuchia) mang về.
Còn tại biên giới Tây Ninh, từ năm 2014, hoạt động vận chuyển trái phép diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc bị lực lượng Hải quan, Biên phòng bắt giữ, xử lý. Tưởng chừng những quyết định tịch thu tang vật, phạt nặng đối tượng vận chuyển và có cả những vụ xử lý hình sự sẽ khiến các đối tượng chùn tay nhưng diễn biến tình hình từ đầu năm 2015 đến nay vẫn tiếp tục phức tạp.
Điển hình như vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài kiểm tra phát hiện bà YCEUNG (tên gọi khác là Trần Thị Mít), ngụ tại huyện Chành Tria, SvayRieng, Campuchia cất giấu, vận chuyển trên 360 triệu đồng không qua khai báo hải quan.
Hải quan Tây Ninh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vi phạm, người vi phạm cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh xử lí theo quy định của pháp luật. Cũng tại cửa khẩu Mộc Bài, trong khi tiến hành kiểm tra hành chính với 4 đối tượng xuất cảnh từ Việt Nam sang Campuchia, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã phát hiện các đối tượng trên có mang theo số tiền trên 108 triệu đồng và 36.000 USD khi xuất cảnh không khai báo hải quan.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, người vi phạm về Công an huyện Trảng Bàng tiếp tục điều tra xử lí. Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài tiếp tục kiểm tra và phát hiện trong hành lí của bà Sok Vanny (sinh năm 1985, quốc tịch Campuchia) có dấu hiệu nghi vấn.
Kiểm tra nhanh, Hải quan phát hiện trong túi xách có 130 triệu đồng tiền Việt Nam (mệnh giá 500.000 đồng) nhưng không khai báo Hải quan. Bà Sok Vanny khai nhận mang số tiền trên từ Campuchia về TP.HCM trả tiền mua hàng, nhưng khi làm thủ tục nhập cảnh lại không khai báo.
Đối với biên giới Long An, hoạt động vận chuyển tiền trái phép qua biên giới chủ yếu xảy ra đối với các đối tượng sang Campuchia đánh bạc, đá gà. Ông Lê Nam Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Long An cho biết: “Mặc dù các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan của tỉnh Long An thời gian qua đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm ngăn chặn người Việt Nam sang Campuchia đánh bài, đá gà, cá độ… tình hình có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Kéo theo đó là việc vận chuyển trái phép tiền Việt Nam, đô la Mỹ qua biên giới vẫn thường xuyên xảy ra. Cục Hải quan Long An đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị hải quan cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại địa bàn rà soát, xác định đối tượng trọng điểm để có phương án đấu tranh hiệu quả”.
Kết quả, Chi cục Hải quan cửa khẩu Bình Hiệp đã phát hiện đối tượng Các Thị Phượng, vận chuyển trái phép qua biên giới 139 triệu đồng, Lê Hồng Phong, vận chuyển trái phép 13,7 triệu đồng; Chi cục Hải quan cửa khẩu Mỹ Quý Tây phát hiện đối tượng Nguyễn Hữu Tuyên vận chuyến trái phép 140 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Hải quan trên tuyến biên giới Tây Nam đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm tra, phát hiện và bắt giữ khoảng 10 vụ vi phạm về vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, trị giá tang vật quy đổi khoảng 1,5 tỷ đồng. Hoạt động này được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, tồn tại song song với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.