Tiếp sức cho doanh nghiệp từ Quỹ SMEDF
Để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Chính phủ đã thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF). Sau hơn một thời gian hoạt động, với sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank, Quỹ SMEDF đã hỗ trợ vốn cho nhiều doanh nghiệp phát triển. Để hiểu thêm về hoạt động, Phóng viên đã có cuộc trao đổi ông Phạm Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc Vietcombank.
Phóng viên: Xin ông cho biết một số hỗ trợ chủ yếu của Quỹ phát triển DNNVV đối với các DN là gì?
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Vietcombank.
Các chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ là các chương trình mà Chính phủ ưu tiên triển khai, do vậy doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, Quỹ và các ngân hàng nhận ủy thác.
Các chương trình hỗ trợ tài chính đối với DNNVV của Quỹ có mức lãi suất ưu đãi 7%/năm, được cố định trong suốt thời hạn vay vốn; Thời hạn vay vốn dài hạn lên tới 10 năm.
Ngoài ra, DNNVV còn nhận được hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án (tối đa 25-30 tỷ đồng) từ nguồn vốn của Quỹ và tối đa 10% tổng mức đầu tư của dự án từ nguồn vốn của ngân hàng ủy thác.
Đồng thời, DN còn được tham gia vào các chương trình tư vấn, đào tạo, kết nối kinh doanh do Quỹ tổ chức; Chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn; Áp dụng phương thức trả nợ đa dạng, được thiết kế phù hợp với dòng tiền trả nợ của DNNVV; Sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác do NH nhận ủy thác cung cấp.
Vậy vay vốn từ Quỹ SMEDF có ưu điểm gì khác biệt so với các chương trình cho vay thông thường dành cho DNNVV?
Khác biệt lớn nhất mà các DNNVV nhận được là mức lãi suất cho vay ưu đãi 7%/năm, cố định trong suốt thời hạn vay vốn 10 năm. Điều này giúp DNNVV quản lý được chi phí đầu vào và hoàn toàn chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. Nếu lãi suất thị trường có xu hướng tăng, Quỹ cam kết giữ nguyên lãi suất cho vay. Ngược lại, nếu lãi suất thị trường giảm, Quỹ sẽ xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho DNNVV.
Trong quá trình triển khai nhận vốn ủy thác cho Quỹ, ngân hàng nhận ủy thác thường gặp khó khăn gì, thưa ông?
Bên cạnh những ưu đãi như đã nói ở trên, thực tế cũng cho thấy một số khó khăn không chỉ đối với ngân hàng trong việc triển khai chương trình mà còn đối với cả DN trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Thứ nhất, đối tượng được tham gia vay vốn từ Quỹ còn hạn chế do Quỹ hiện chỉ ưu tiên cho vay đối với các DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực: Hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Do vậy, nhiều DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực khác có dự án kinh doanh khả thi chưa được nhận vốn tài trợ.
Thứ hai, các DNNVV đáp ứng được tiêu chí của Quỹ chủ yếu là các DN nhỏ/siêu nhỏ, DN khởi nghiệp… mặc dù có dự án kinh doanh khả thi song kỹ năng lập hồ sơ vay vốn phù hợp còn yếu, năng lực tài chính hạn chế, kinh nghiệm quản trị điều hành còn thiếu, tài sản đảm bảo không đủ nên việc cấp tín dụng là khó thực hiện.
Thứ ba, nguồn vốn của Quỹ SMEDF được bảo toàn, NH nhận ủy thác phải chịu 100% rủi ro tín dụng. Trong quá trình triển khai dự án sản xuất kinh doanh, nếu DNNVV gặp khó khăn trong việc trả gốc, lãi hoặc cả gốc và lãi cho NH thì NH sẽ đối mặt với rủi ro thất thoát vốn trong khi vẫn phải đáp ứng đúng nghĩa vụ trả gốc/lãi cho Quỹ khi đến hạn. Do vậy, nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa NH nhận ủy thác và Quỹ thì việc triển khai dự án sẽ thuận lợi hơn.
Theo ông, các DN cần hoàn thiện ở khâu nào để sớm tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ?
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng của NH, DNNVV cần đảm bảo dự án sản xuất kinh doanh phải đáp ứng 5 tiêu chí ưu tiên để được Quỹ lựa chọn tài trợ, bao gồm: Sản phẩm đầu ra (sản xuất sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới); Tính đổi mới (đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động; chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao); Năng lực quản trị, điều hành của DN (năng lực, kinh nghiệm quản trị điều hành của người quản lý DN); Tạo việc làm và yếu tố về giới (dự án, phương án sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm mới; dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ); Môi trường - dự án, phương án sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hoặc sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xin ông chia sẻ thêm về sự phối hợp giữa Quỹ và Vietcombank nhận ủy thác để hỗ trợ DN trong thời gian qua?
Đối với Vietcombank, hoạt động ngân hàng bán lẻ là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn, trong đó DNNVV là nhóm khách hàng quan trọng.
Vì vậy, Vietcombank luôn tập trung nhiều nguồn lực và chính sách ưu đãi cho các DNNVV như dành nhiều nguồn vốn trung dài hạn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của DNNVV; triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất; thường xuyên ban hành, cập nhật các chính sách tín dụng theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay; tích cực tư vấn, hỗ trợ các DNNVV trước, trong và sau khi vay vốn...
Với hệ thống các giải pháp đồng bộ của Trụ sở chính cùng sự tham gia tích cực của các Chi nhánh, hoạt động tài trợ DNNVV của Vietcombank đã có sự tăng trưởng ấn tượng: dư nợ cho vay DNNVV năm 2016 tăng 39% so với năm 2015; chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng 12,2% so với cuối năm 2016 và chiếm 8,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Để đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn đang có xu hướng tăng nhanh của DNNVV, bên cạnh nguồn vốn tự có của ngân hàng, Vietcombank cũng luôn chủ động tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, đặc biệt là các nguồn vốn tài trợ dài hạn với chi phí hợp lý từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước như vốn ODA của Jica, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, các nguồn vốn ủy thác... để tài trợ cho các DNNVV. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ Quỹ là sự bổ sung kịp thời cho Vietcombank.
Quỹ đã và đang hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Vietcombank nhận ủy thác trong việc triển khai dự án. Cụ thể, Quỹ và Vietcombank đã thành lập bộ phận tư vấn trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho các DNNVV về tiêu chí, điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Quỹ.
Bên cạnh đó, DNNVV cũng nhận được tư vấn về cách lập phương án, dự án sản xuất kinh doanh phù hợp, đảm bảo đúng nhu cầu, mục đích sản xuất thực tế. Đồng thời, Ban chuyên trách tại Trụ sở chính Vietcombank phối hợp chặt chẽ với Quỹ, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn về chương trình của Quỹ trên toàn hệ thống.
Quỹ và Vietcombank đã phối hợp xây dựng quy trình tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính đơn giản, tinh gọn để tối đa hỗ trợ cho DNNVV tiếp cận. Sau khi Vietcombank thẩm định và chuyển hồ sơ sang, Quỹ khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết để phê duyệt tài trợ/từ chối tài trợ và thông báo cho Vietcombank nhận ủy thác.
Xin cảm ơn ông!