Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
(Tài chính) Mặc dù tiến độ tái cơ cấu còn chậm so với mục tiêu đề ra, nhưng định hướng trong năm 2015, Chính phủ vẫn tiếp tục quyết liệt thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, đặc biệt là cơ cấu lại đầu tư công; thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Nhiều kết quả bước đầu
Kết luận phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình tái cơ cấu cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Tiến độ thực hiện tái cơ cấu còn chậm so với mục tiêu đề ra. Chúng ta đang ở khởi đầu mạnh mẽ của tái cơ cấu nhưng không đạt được mục tiêu đến năm 2015. Chúng ta phải nhận thức lại tái cơ cấu kinh tế là cả một quá trình, không thể trong 2-5 năm là có một kết quả hoàn chỉnh. Quá trình đó cũng phải có bước đi, có lộ trình phù hợp với trình độ phát triển, quy mô của nền kinh tế”.
Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chính sách, văn bản góp phần bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, thất thoát, lãng phí; nâng cao hiệu quả đầu tư. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ hơn và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn tập trung, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình.
Đặc biệt các bộ, cơ quan và địa phương đã chú trọng đến việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt quyết định đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ các địa phương đã chấp hành tốt việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, việc phê duyệt dự án thực hiện đúng theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn giai đoạn trước. Hàng năm đã dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; số lượng dự án khởi công mới các năm qua giảm mạnh so với thời kỳ trước. Với việc bố trí vốn tập trung hơn, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Tình trạng tạm ứng vốn cho các nhà thầu khi chưa có khối lượng được quản lý chặt chẽ.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ban hành các cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn; tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, giám sát. Trong 9 tháng đã sắp xếp 92 doanh nghiệp nhà nước, trong đó phê duyệt phương án cổ phần hóa 71 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013. Đang triển khai thực hiện tái cơ cấu các công ty nông, lâm nghiệp.
Trong số 432 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa 2014-2015, đã có 368 doanh nghiệp thành lập được Ban chỉ đạo, 257 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 123 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 71 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 35 doanh nghiệp đã bán đấu giá cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống chính sách, pháp luật về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã được hoàn thiện một bước căn bản và được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và tạo cơ sở pháp lý cho công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu. Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các văn bản tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; quy định giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng tạo điều kiện pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Sau hơn 2 năm thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu đã đưa lại kết quả nhất định. Số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm; nợ xấu được kiềm chế và bước đầu được xử lý; năng lực tài chính được nâng lên; nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém được đẩy lùi; an toàn hệ thống được cải thiện.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Định hướng trong năm 2015, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước. Rà soát, bổ sung doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn. Thúc đẩy xã hội hóa sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hợp tác.
Đồng thời, tích cực triển khai Luật Đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, đa dạng hóa hình thức đầu tư (BOT, BT, PPP,…), tăng tính thương mại của dự án để huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, logistics, nhất là các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế quốc gia, vùng. Tăng cường phân cấp, xã hội hóa việc khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng. Phát triển mạnh thị trường vốn trong nước và chủ động tham gia thị trường tài chính quốc tế để huy động các nguồn lực từ trong nước và nước ngoài cho phát triển.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng; xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại yếu kém. Nâng cao năng lực quản trị, chất lượng dịch vụ, giảm thiểu rủi ro của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Phát triển thị trường mua bán nợ, nhất là nợ xấu. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, mục tiêu của tái cấu trúc kinh tế gồm có 4 điểm rất quan trọng, đó là phải nâng cao năng suất lao động, phải đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ công nghệ mới để tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong mỗi sản phẩm và để nâng cao tính cạnh tranh của mỗi sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, nền kinh tế phải phát triển một cách bền vững. Đó là những mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc, đó chính là mục tiêu hướng tới của nền kinh tế Việt Nam, để đủ sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.
“Đây là một việc rất lớn và rất dài, không thể trong 5 năm ta làm được điều này. Chính vì vậy, chúng tôi thấy chúng ta chọn ra 3 khâu đột phá. Ba khâu đột phá này là những khó khăn, gai góc nhất”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - TP. Hồ Chí Minh:
Kết quả đáng trân trọng
Tôi đánh giá cao Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và hài lòng trước những nhận định khách quan về những kết quả đạt được cũng như những khiếm khuyết và các kiến nghị được báo cáo đưa ra. Quá trình tái cơ cấu kinh tế của nước ta là một kế hoạch dài hạn nhưng mới được triển khai đồng bộ từ năm 2013 đến nay. Vì vậy, những kết quả đạt được như trong báo cáo là rất đáng trân trọng. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế Quốc hội của Chính phủ đã ban hành nhiều luật lệ quan trọng, nhiều nghị định quyết định, thông tư có liên quan đến tái cơ cấu kinh tế đã được ban hành trong hai năm qua, làm cơ sở nền tảng pháp lý để chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế trong thời gian tới. Với mục tiêu của tái cơ cấu là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, 3 năm qua chúng ta đã cổ phần hóa được 170 doanh nghiệp, sắp xếp được 102 doanh nghiệp, phê duyệt đề án tái cơ cấu của trên 88 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh đó một số địa phương, một số bộ chủ quản, lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước còn chần chừ trong tái cơ cấu, hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa cao. Khuyến nghị cần xác định rõ quan điểm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ tập trung về lượng là phải cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp mà vấn đề quan trọng là làm thế nào nâng cao được hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước. Thiết nghĩ phải cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước, tăng tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước và họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết quả kinh doanh của mình. Hạn chế sự can thiệp, sự quan tâm quá nhiều của nhiều cấp, nhiều ban, ngành khi có sự việc rủi ro xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.