Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn
(Tài chính) Theo thống kê, lãi suất đã được điều chỉnh giảm tương đối sâu thời gian gần đây song mức lãi suất cho vay trung và dài hạn trong nước hiện vẫn cao gấp hai lần so với các nước trong khu vực. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lãi suất cho vay trung và dài hạn cần tiếp tục được điều chỉnh giảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiện đại hóa công nghệ.
Hơn nữa, năm nay, nước ta sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), theo đó, thuế suất nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm dần về 0%. Hàng hóa nhập khẩu sẽ có giá trị tương đương với hàng hóa sản xuất nội địa.
Như vậy, hàng Việt và doanh nghiệp trong nước khó có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập và doanh nghiệp nước ngoài về nhiều mặt như máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm hàng hóa thấp...
Trong khi, với lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận vốn để đầu tư hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo thống kê, lãi suất cho vay trung và dài hạn của nước ta hiện đang cao gấp hai lần so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, thống kê cho thấy, việc giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh trong hai đợt đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 1.2015 giảm 0,2% so với tháng 12.2014.
Có thể thấy, CPI đã và đang được giữ ở mức ổn định và tương đối thấp. Hơn nữa, lạm phát của năm 2015 được dự báo sẽ ở mức 3 - 4%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là những điểm thuận lợi, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng và ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là đối với lãi suất trung và dài hạn.
Trong hai năm gần đây, lãi suất đã được điều chỉnh giảm tương đối sâu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm nay, mức lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn cần tiếp tục được điều chỉnh giảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn; mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc…
Đồng thời cần khẳng định, việc tham gia các Hiệp định FTA tuy sẽ giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng, có thêm thị trường, song lãi suất ngân hàng vẫn luôn được coi là yếu tố quan trọng tác động đến việc xem xét, hoạch định và quyết định mở rộng đầu tư, hiện đại hóa công nghệ của các doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VNĐ của các ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 9 - 10%/năm; còn các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức từ 9,5-11%/năm cho trung và dài hạn. Theo Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục hạ thêm lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1-1,5%/năm và hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Do vậy, thời gian tới, các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn, phấn đấu giảm thêm 1,5%; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, đường cong lãi suất đã hình thành trở lại theo hướng thời gian gửi tiền càng dài lãi suất càng cao và lãi suất cho vay cũng tương tự: thời gian vay càng dài thì lãi suất càng lớn.
Nhiều ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn chỉ trong 6 - 12 tháng đầu và sẽ thả nổi theo thị trường sau đó. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp có tâm lý e ngại, không dám mạnh dạn vay vốn đầu tư. Bởi vậy, các ngân hàng cần tổ chức tư vấn, giải thích cho doanh nghiệp hiểu về xu hướng, cách tính lãi suất những năm tiếp theo để tính toán, dự báo trước và không bị khớp khi lãi suất biến động mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tránh tình trạng phát hành tràn lan cùng với lạm phát ở mức cao sẽ tác động mạnh và làm tăng mặt bằng lãi suất, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.