Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến
Phát huy những kết quả đã đạt được khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, thời gian tới, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tiếp tục vận hành một cách ổn định, nâng cấp hơn nữa các dịch vụ để giúp KBNN cải thiện chất lượng, phục vụ các tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.

Đi đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Trong Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) năm 2024, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không cần thiết, không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính phải được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Các đơn vị tổng cục thuộc Bộ Tài chính hoàn thành tích hợp các DVCTT thuộc phạm vi quản lý của đơn vị lên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ.
Đối với KBNN, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu cung cấp, sử dụng DVCTT năm 2024 như sau: 100% tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình; 100% tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến và tối thiểu 90% tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến.
Có thể thấy, để đạt được mục tiêu mà Bộ Tài chính giao không phải là điều khó khăn với KBNN bởi lẽ đây là đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành việc cung cấp 100% thủ tục hành chính qua DVCTT mức độ 4. Triển khai DVCTT trong toàn hệ thống từ năm 2018, đến nay, KBNN đã cung cấp đủ 11 thủ tục hành chính lên DVCTT mức độ 4 và tích hợp toàn bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng) đã đăng ký tham gia DVCTT tại KBNN. Theo đó, hệ thống DVCTT của KBNN đã xử lý trên 99,6% tổng số chứng từ chi ngân sách nhà nước. 100% DVCTT được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ).
Việc tăng cường giao dịch trên hệ thống DVCTT của KBNN đã tạo điều kiện giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đồng thời, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tại các tỉnh miền núi, có địa hình, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt, nhờ việc triển khai công nghệ ký số từ xa, giúp người dùng của các đơn vị sử dụng ngân sách có thể ký số trên cả máy tính cá nhân cũng như thiết bị di động; triển khai diện rộng quy trình thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách thông qua DVCT giúp giảm thiểu thời gian và chi phí hoạt động của cả đơn vị sử dụng ngân sách và Kho bạc.
KBNN cho biết, từ DVCTT, KBNN đã tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng mới xây dựng theo mô hình kỹ thuật tập trung, nhằm mở rộng kênh thanh toán liên ngân hàng đến KBNN cấp huyện trên cơ sở tài khoản kho bạc duy nhất tại Ngân hàng Nhà nước; quy trình liên thông ứng dụng giữa DVCTT với Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thanh toán liên ngân hàng đối với chi thường xuyên; chương trình thanh toán tự động với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… Trong đó, việc triển khai liên thông giữa các ứng dụng phục vụ công tác kiểm soát chi, kế toán, thanh toán có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giảm hơn 35% thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ và khối lượng công việc cho công chức kiểm soát chi.
Theo đánh giá của nhiều đơn vị sử dụng ngân sách, DVCTT kho bạc là bước đột phá, mang lại nhiều lợi ích, rút ngắn thời gian và chi phí. Trước đây, khi giao dịch, các đơn vị phải mang hồ sơ đến tận kho bạc thì nay chỉ cần ngồi nhà thao tác nhanh chóng, gọn nhẹ. Thời gian xử lý kết quả hồ sơ, từ gửi hồ sơ, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đều thực hiện tự động. Đơn vị sử dụng ngân sách có thể chủ động tra cứu kết quả trên hệ thống 24/7. Chủ tài khoản, kế toán trưởng có thể tải ứng dụng tra cứu số dư tại kho bạc trên điện thoại di động, thuận tiện theo dõi, sử dụng kinh phí.
Tăng cường tiện ích
Có thể thấy, giao dịch điện tử và cung cấp DVCTT vừa là xu thế tất yếu, vừa là yêu cầu tiên quyết mà các bộ, ngành, địa phương cần đạt được nhằm hướng đến một Chính phủ điện tử toàn diện, nhằm tăng cường tính minh bạch hóa, cải cách hành chính và hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước đối với quản lý xã hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ và tăng cường tiện ích phục vụ công tác quản lý của lãnh đạo KBNN các cấp, KBNN đã đưa ra kế hoạch lâu dài trong việc nâng cấp hệ thống DVCTT. Theo kế hoạch này, sẽ thực hiện cung cấp DVCTT cho khách hàng qua đa kênh, bao gồm cả kênh mobile; xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua DVCTT. Đồng thời, hoàn thiện, tăng cường bảo mật thông qua công nghệ sinh trắc học đảm bảo người kiểm soát thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn tình trạng làm thay, làm giúp dẫn tới mất an toàn tiền, tài sản của Nhà nước.
Với kế hoạch nâng cấp và hoàn thiện hệ thống DVCTT, KBNN kỳ vọng DVCTT tiếp tục là một trong các kênh tiếp nhận thông tin để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của KBNN một cách khách quan, giúp KBNN cải thiện chất lượng, phục vụ các tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.
Cùng với đó, KBNN cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Đặc biệt, KBNN đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong đó, trọng tâm là các dự án như: Hoàn thiện đề án nâng cấp TABMIS và các hệ thống ứng dụng liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); Xây dựng và triển khai thí điểm liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản (từ ĐTKB-GD - Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN sang TABMIS và Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng); Xây dựng Chương trình quản lý văn bản điều hành tập trung của KBNN.
Cùng với đó, hệ thống KBNN cũng sẽ tiếp tục vận hành hệ thống DVCTT hoạt động ổn định; tiếp nhận, giải quyết kịp thời 100% yêu cầu hỗ trợ cho các đơn vị, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tác nghiệp nhanh chóng trên các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch chi ngân sách nhà nước qua DVCTT.