Tiếp tục nghiên cứu kỹ sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý thuế

PV (t/h)

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã trình bày tham luận về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng trình bày tham luận tại Hội nghị
Thứ trưởng Võ Thành Hưng trình bày tham luận tại Hội nghị

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 173/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới 13 luật để báo cáo Chính phủ báo cáo UBTVQH kết quả nghiên cứu, rà soát.

Trong đó, 5 luật có thời hạn báo cáo UBTVQH trước ngày 30/6/2022, 7 luật có thời hạn báo cáo trước ngày 31/12/2022, Luật Dự trữ quốc gia có thời hạn báo cáo trước ngày 31/12/2024. 

Về kết quả rà soát, bổ sung nhiệm vụ lập pháp mới, thực hiện nhiệm vụ do UBTVQH, Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5410/BTC-PC ngày 26/5/2023, Công văn số 5991/BTC-PC ngày 12/6/2023 gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ về đề xuất bổ sung nhiệm vụ lập pháp mới, theo đó đã đề xuất bổ sung 4 nhiệm vụ lập pháp mới.

Cụ thể, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi): dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2025-2026; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán: dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2025-2026; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập: dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2024-2026; Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu: dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) theo quy trình một kỳ họp.

Về việc triển khai thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Theo Thứ trưởng, trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như sau: Thời gian từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được thông qua đến thời điểm có hiệu lực là tương đối ngắn (06 tháng); Các văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm đều có nội dung phức tạp, phạm vi tác động tới nhiều đối tượng, cần lấy ý kiến nhiều bộ, cơ quan có liên quan và phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền… Do đó, mặc dù được giao xây dựng theo quy trình, thủ tục rút gọn, nhưng Bộ Tài chính vẫn thực hiện lấy ý kiến đầy đủ các bộ, ngành có liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp và lấy ý kiến rộng rãi thông qua đăng tải dự thảo trên các Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Tài chính.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Chính phủ thông qua, trên cơ sở đó trình Quốc hội, UBTVQH về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). 

Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật; trên cơ sở đó đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH.

Bên cạnh đó, với Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 13/4/2023, Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 55/BC-BTC ngày 13/4/2023, Báo cáo số 111/BC-BTC ngày 10/7/2023 báo cáo Chính phủ về việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. 

Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, UBTVQH bổ sung Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, soạn thảo trình tự thủ tục rút gọn để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) theo quy trình một kỳ họp. 

Đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã hoàn thiện kết quả nghiên cứu, rà soát và báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Quản lý thuế. Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, để đảm bảo tính khả thi, chất lượng, rà soát kỹ càng và đề xuất sửa đổi đồng bộ, bám sát các mục tiêu, định hướng được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Bộ Tài chính chưa kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng nêu rõ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ sự cần thiết, rà soát phạm vi sửa đổi Luật Quản lý thuế về các vấn đề vướng mắc trong quản lý thuế để báo cáo Chính phủ về việc xem xét, đăng ký dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vào thời điểm thích hợp.