Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế

PV.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng nay 20/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và các kế hoạch hằng năm, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội. Nguồn: quochoi.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội. Nguồn: quochoi.vn

Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít thách thức. Trên thế giới và trong khu vực đã có những diễn biến phức tạp, khó khăn không lường trước ngoài dự báo như: cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt; xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng...

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933. Bên cạnh đó, nền khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến các quốc gia trên nhiều phương diện...

Trong bối cảnh đó, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Với tinh thần đó, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cùng người dân trên cả nước đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, phù hợp với thực tiễn và thực lực đất nước. Chính phủ đã kịp thời xây dựng các kịch bản ứng phó, xử lý linh hoạt, sáng tạo, kịp thời các tình huống phát sinh; giãn cách xã hội ở phạm vi, quy mô phù hợp; công tác thông tin, truyền thông bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời; chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong phòng, chống dịch; thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân và đón khoảng 45 nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước an toàn, thể hiện đạo lý tốt đẹp, đùm bọc, chia sẻ trong khó khăn, hoạn nạn của dân tộc ta...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công các trọng trách tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh; tạo bước tiến mới, thực chất với việc phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA; đẩy mạnh triển khai Hiệp định CPTPP và tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất triển khai Hiệp định EVFTA; mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế...

Trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát "Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp". 

Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.