Tiếp tục triển khai hội nhập quốc tế
(Taichinh) - Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về hội nhập quốc tế vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 22) về hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và thành lập BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế gồm BCĐ liên ngành về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.
Những năm tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính - tiền tệ, các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương và đa phương thế hệ mới, trong đó có việc Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015. Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng, về kinh tế, về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng tham mưu chính sách; vận hành thông suốt, nhịp nhàng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành; giữa các Bộ phận giúp việc của BCĐ quốc gia và các BCĐ liên ngành; giữa các BCĐ với các cơ quan đầu mối hội nhập quốc tế ở địa phương.
Đẩy mạnh nâng cao vai trò đối ngoại đa phương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xác định hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ ưu tiên và phân công, kiện toàn các bộ phận đầu mối phụ trách; khẩn trương rà soát, hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đồng thời đẩy mạnh nâng cao vai trò đối ngoại đa phương theo hướng chủ động đóng góp, tích cực tham gia vào việc xây dựng và định hình các cơ chế hợp tác đa phương phù hợp với lợi ích đất nước. Tăng cường nghiên cứu, đề xuất và triển khai các sáng kiến, đóng góp tại các diễn đàn quan trọng, chú trọng nội hàm phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức có tính toàn cầu, nhằm phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm và nâng cao vị thế của Việt Nam.
Bên cạnh đó hỗ trợ hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các cơ hội và thách thức của hội nhập, đặc biệt là về Cộng đồng ASEAN, các cam kết kinh tế, thương mại mới của Việt Nam. Chú trọng đối thoại, tiếp nhận và xử lý ý kiến, đề xuất của các đối tượng chịu tác động từ các cam kết hội nhập quốc tế để đảm bảo hội nhập mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường rà soát, triển khai nội luật hóa đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và đồng bộ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; sửa đổi những quy định không còn phù hợp; chủ động có kế hoạch chuẩn bị nội luật hóa cho các cam kết sắp tham gia. Chủ động nghiên cứu, đề xuất việc tham gia và tích cực góp phần xây dựng các điều ước quốc tế, phát huy vai trò tại các cơ chế về luật pháp và tư pháp quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tranh chấp thương mại quốc tế và Luật Biển.
Xây dựng định hướng đối ngoại đa phương đến 2030
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng định hướng đối ngoại đa phương của Việt Nam đến 2030, trong đó có việc đào tạo đội ngũ cán bộ đa phương; nghiên cứu, kiến nghị đưa chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương” vào các văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Bộ Ngoại giao chủ trì tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các trọng tâm đối ngoại đa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, bao gồm: (i) Đảm nhận các trọng trách quốc tế, đăng cai tổ chức thành công các hoạt động đa phương lớn; (ii) Xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nâng cao hiệu quả hợp tác tiểu vùng Mê Công; (iii) Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế; (iv) Phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết, thúc đẩy hoàn tất và triển khai các FTA sẽ ký kết; (v) Góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, thúc đẩy nội hàm phát triển bền vững; (vi) Đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao để các đối tác sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường trước ngày 31/12/2018; (vii) Nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác; (viii) Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và chất lượng đội ngũ cán bộ đa phương.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực sớm hoàn tất, ký kết và chuẩn bị triển khai các liên kết kinh tế, thương mại then chốt, bao gồm Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA giữa ASEAN với các đối tác, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA); chủ động, tích cực triển khai các FTA mới được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam và Hàn Quốc; trong đó chú trọng tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ, ngành; nắm bắt quan tâm, mức độ sẵn sàng của các địa phương, doanh nghiệp để định hướng tranh thủ cơ hội và đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết FTA phù hợp với Chiến lược tham gia FTA của Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đàm phán các FTA mới hướng đến việc đa dạng hóa thị trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu các vấn đề mới nổi lên trong kinh tế thế giới bao gồm: chiến lược phát triển kinh tế đại dương xanh, kinh tế mạng điện tử, cụm liên kết ngành, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và đề xuất chủ trương, biện pháp đối với vấn đề này; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chủ động rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến các vấn đề mua sắm chính phủ, hợp tác công tư, đấu thầu cho phù hợp với các cam kết quốc tế; tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác cho các đối tác đang phát triển về nâng cao năng lực tuân thủ, thực thi, giám sát các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thúc đẩy hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về hội nhập quốc tế của địa phương, chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh, đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của Trung ương; rà soát các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu của hội nhập.
Đồng thời chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài, tham gia các chương trình hợp tác tiểu vùng, tích cực đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận hợp tác cấp địa phương.
Bên cạnh đó chủ động đề xuất các biện pháp tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy, bổ sung cho nhau các lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong hội nhập.
UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố liên quan chủ động, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế lớn tại Việt Nam và các hoạt động trong Năm APEC Việt Nam 2017.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ động tăng cường nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các cam kết kinh tế, thương mại mới của Việt Nam; thúc đẩy sự chủ động tham gia hiệu quả của doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó có Năm APEC Việt Nam 2017.