Tiết kiệm khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm dự toán chi hội nghị, công tác phí, chi thường xuyên
Theo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm dự toán chi cho hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong những tháng cuối năm 2020, với tổng kinh phí đã báo cáo về Bộ Tài chính đến nay khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng.
Chi khoảng 16,29 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân
Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 92,9 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện 8 tháng, đạt 881,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm thu ngân sách là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh, làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế, giảm nguồn thu ngân sách.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm dự toán chi cho hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong những tháng cuối năm 2020, với tổng kinh phí đã báo cáo về Bộ Tài chính đến thời điểm này khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước vẫn được đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 119,5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 16,29 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, 3,93 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ và Quyết định số 437/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; 12,36 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 12,42 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Các bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được 6,4 nghìn tỷ đồng
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương gặp nhiều khó khăn trong điều kiện giảm thu ngân sách nhà nước. Tính hết tháng 8/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 177,65 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ gốc đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,25 năm, lãi suất bình quân 2,95 %/năm.
Thực hiện Nghị quyết số 122/2020/QH14 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 19/6/2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm dự toán chi cho hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong những tháng cuối năm 2020, với tổng kinh phí đã báo cáo về Bộ Tài chính đến thời điểm này khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì các bộ, ngành, địa phương phải giảm chi tương ứng. Ngoài tiết kiệm chi tiêu theo quy định, các đơn vị sử dụng ngân sách phải tiếp tục tiết kiệm hơn nữa, cắt giảm tiếp các khoản chi không cần thiết, tập trung chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.