Tiết kiệm từ 2 USD lên 1 triệu USD trước năm 30 tuổi
"Tiết kiệm quá cực đoan nghe có vẻ đáng ngại, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ không ở trong tình trạng này mãi mãi. Chúng ta chỉ cần làm việc này trong một vài năm đầu để có một khoản tiền nhàn rỗi, từ đó đầu tư để tạo nên sự khác biệt".
Đầu tư cho trải nghiệm thay vì tiết kiệm hay sở hữu tài sản vật chất là đặc điểm chung của nhiều millennials. Có một sự thật không thể phủ nhận là đa phần giới trẻ ngày nay làm ra nhiều tiền nhưng không đủ tiêu, tài khoản cứ cuối tháng là trống rỗng, cũng chẳng có khoản đầu tư nào cả.
Cho dù bây giờ bạn trông khá ổn đấy, nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nếu chẳng có một khoản tiết kiệm hay phương án tài chính dự phòng, ai dám chắc tương lai sẽ ra sao. Trong khi một số thì vẫn lạc quan và tin rằng việc gì đến cứ đến, số khác thì hiểu vấn đề nhưng không tìm ra giải pháp khả thi nào để thay đổi tình trạng này.
Xoay quanh chuyện làm thế nào để trở nên giàu có, nhiều chuyên gia tài chính thường đưa ra một chiến thuật đơn giản: Tự động hóa tài chính (quy định cụ thể sẽ chi tiêu, tiết kiệm bao nhiêu) và đầu tư – trả trước cho bản thân. Thế nhưng với Grant Sabatier, người đã gia tăng số tiền trong tài khoản ngân hàng từ 2 USD lên 1 triệu USD chỉ trong 5 năm, lại thấy khác.
"Nếu bạn mơ ước được nghỉ hưu sớm, tự động hóa tài chính có thể ngăn bạn đạt được mục tiêu của mình. Chiến lược tổng thể để đạt được sự độc lập tài chính nhanh nhất có thể là tiết kiệm và sau đó đầu tư càng nhiều tiền càng tốt. Tự động hóa tài chính – tức là bạn chỉ tự động tiết kiệm được một khoản tiền nhất định chứ không phải là tiết kiệm nhiều nhất có thể", anh chia sẻ.
Sabatier đã tự mình trải nghiệm điều này: Anh đã có thể tự lập về tài chính ở độ tuổi 30 nhờ làm thêm nhiều công việc phụ và tiết kiệm đến 80% thu nhập. "Tự động tiết kiệm là một khởi đầu tuyệt vời. Nếu bạn có tham gia chương trình hưu bổng 401(k) (đây là một kế hoạch tiết kiệm & đầu tư được cung cấp tại nơi làm việc để dành cho hưu trí trong tương lai), bạn đã giỏi hơn rất nhiều người rồi đấy. Nhưng như thế vẫn chưa đủ".
Nếu bạn muốn độc lập về tài chính sớm, bạn cần tiết kiệm và đầu tư thêm trên mỗi đô la mà mình có thể. Một chiến lược mà Sabatier khuyến khích là hãy tiết kiệm riêng thêm một khoản 1% trong 401(k) mỗi tháng. Bằng cách đó, bạn đã tích lũy được ngày càng nhiều theo thời gian. Sau khi kết thúc một năm, bạn sẽ tiết kiệm được ít nhất 12% của 401(k) hoặc thậm chí nhiều hơn nữa.
Ngay cả khi bạn không thể tăng tỷ lệ tiết kiệm với tốc độ như gợi ý, hãy dành thời gian để kiểm tra tài chính một cách nhất quán và tìm cách để cắt giảm chi tiêu và đầu tư nhiều nhất có thể. Mỗi sự cố gắng dù nhỏ đều mang lại giá trị. Như Sabatier đã nói, nếu bạn tăng tỷ lệ tiết kiệm từ 0 lên 35%, bạn sẽ nghỉ hưu sớm được tới 25 năm.
Nhưng cũng phải thừa nhận, rằng tiết kiệm một cách quá chi li cũng có nhược điểm, bởi chúng ta phải liên tục bỏ qua đam mê sở thích của mình, từ thói quen uống cà phê cho đến kỳ nghỉ thư giãn. Đồng thời, không phải ai cũng quan tâm đến việc nghỉ hưu sớm hoặc cả nghỉ hưu đúng tuổi. Sống không đơn giản chỉ là cắt giảm chi tiêu. Mỗi người có một phương châm và cách tận hưởng cuộc sống khác nhau.
Dẫu vậy, bất kể bạn sống theo phong cách nào, chỉ cần biết tiết kiệm và đầu tư sớm, tiền trong tài khoản của bạn sẽ ngày càng gia tăng. Lượng tiền nhỏ ban đầu sẽ dần biến thành khoản tiền lớn nhờ đầu tư, và tiền lãi cũng cứ thế tăng lên bội phần. Nếu mục tiêu của bạn là không cần phải "cày bục mặt" ở một độ tuổi nhất định, việc gia tăng tiền tiết kiệm càng nhiều càng tốt trong thời gian ngắn sẽ biến giấc mơ của bạn trở thành hiện thực.
"Tiết kiệm quá cực đoan nghe có vẻ đáng ngại, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ không ở trong tình trạng này mãi mãi. Chúng ta chỉ cần làm việc này trong một vài năm đầu để có một khoản tiền nhàn rỗi, từ đó đầu tư để tạo nên sự khác biệt", Sabatier nhấn mạnh.