Tìm các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm mục tiêu tăng trưởng
(Tài chính) Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIII, ngoài việc xem xét thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác, thì nội dung phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sẽ được các đại biểu bàn thảo kỹ.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, với những nỗ lực giải quyết khó khăn, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Vũ Xuân Hồng, trong điều kiện kinh tế bên ngoài cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng nỗ lực trong nước lớn, thời điểm này chúng ta có những điều chỉnh chỉ tiêu phát triển, nhưng giữ được và bảo đảm là sự cố gắng.
Ngoài ra, giải pháp không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn, chính là việc tái cơ cấu nền kinh tế, mà yếu tố quyết định là phân bổ nguồn lực cho đầu tư. Cần tính toán nguyên tắc phân bổ nguồn lực cho đầu tư có trọng điểm và theo vùng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phân tích, trong năm 2014 Chính phủ đã nỗ lực lớn và duy trì được mức độ tăng trưởng và đưa ra giải pháp cho năm 2015. Nhưng ở đây, tăng trưởng phải gắn với vấn đề giải quyết việc làm đảm bảo bền vững. Một trong các giải pháp cần quan tâm là tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung. Giải pháp đột phá không chỉ ngắn hạn mà cả trung, dài hạn là phải tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Muốn vậy, phải phân bổ nguồn lực cho đầu tư cũng phải tính toán quy tắc, xác định trọng tâm, tạo động lực và sức lan tỏa. Như nên tập trung phát triển kinh tế theo vùng.
Theo nhiều đại biểu, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Mục tiêu an sinh xã hội, nhất là chính sách, pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện và triển khai kịp thời; các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở những giải pháp cụ thể, về kinh tế - xã hội năm 2015, Chính phủ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,2% và điều này theo nhiều đại biểu là có thể thực hiện được. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, mục tiêu quan trọng tại kỳ họp này đặt ra đối với các Đại biểu Quốc hội là hiến kế, tìm giải pháp làm sao kinh tế tăng trưởng. Vì tiềm năng của chúng ta là tăng trưởng từ 7% trở lên, có giai đoạn tăng trưởng 9,5%, vì vậy đã đến lúc cần có sự đột phá.
Một trong những giải pháp là Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế, đưa ra những luật phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế đang phát sinh. Ví dụ, nói nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thì Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn làm sao phải gắn với trách nhiệm đóng góp vào sự tăng trưởng và nền kinh tế phải tăng trưởng trên thế mạnh của Việt Nam, là nền nông nghiệp hiện đại và du lịch.
Cùng với những kết quả đạt được, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, việc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đạt kết quả tích cực. Đồng thời, củng cố nền quốc phòng toàn dân, tăng cường và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.