Tìm giải pháp xoay chuyển tình thế

(baodautu.vn)

Diễn biến mới nhất của kinh tế Việt Nam năm 2012 là việc Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9/2012 tăng 2,2% so với tháng trước và như vậy, lạm phát tới thời điểm này đã là 5,13%, tăng mạnh so với con số 2,86% của 8 tháng đầu năm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 bất ngờ tăng mạnh
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 bất ngờ tăng mạnh
Điều đáng nói nằm ở chỗ, mức tăng CPI 2,2% trong tháng 9 đã khiến rất nhiều chuyên gia kinh tế bất ngờ và cũng đã có quan điểm cho rằng, lạm phát đột ngột trở nên quá nóng và trở thành vấn đề lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam từ nay đến hết năm 2012.

Mặc dù, theo nhận định của các chuyên gia JPMorgan Chase, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ở Việt Nam cùng yếu đi, thì CPI sẽ không tăng vọt trong những tháng cuối năm như thường thấy trước đây, song lạm phát sẽ tiếp tục hướng tới ngưỡng 9% trong thời gian còn lại của năm. Điều này cũng có nghĩa rằng, dù lạm phát năm nay sẽ vẫn đạt mục tiêu đề ra, song ngưỡng kỳ vọng 7% của Chính phủ có thể sẽ không đạt được. Và tất nhiên, cùng nằm trong số các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP năm nay cũng không thể đạt mục tiêu đề ra, mà chỉ có thể ở mức 5,5%.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giờ không phải là lúc “quan tâm sâu sắc” đến sự lên xuống chi ly từng điểm phần trăm của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, mà phải quan tâm hơn đến những vấn đề của thực tiễn, những quyết sách lớn, những giải pháp chiến lược… “Nếu không, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới còn u ám, khó có thể tạo ra sự xoay chuyển để thoát khỏi nguy cơ vòng xoáy, thậm chí khủng hoảng mà nền kinh tế có thể lâm vào”, ông Thiên nói.

Có ba “cái thực tiễn” được đề cập trong ý kiến của ông Thiên. Một là, trạng thái lạm phát hạ nhanh, nhập siêu giảm mạnh, đang gây lo ngại ở mức độ sâu sắc không kém tình trạng lạm phát cao, nhập siêu lớn những năm vừa rồi; hai là, tình trạng hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản, nhưng một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn thiếu vốn đầu tư trầm trọng; ba là, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, dù được nhìn nhận là giải pháp căn cơ để đưa nền kinh tế thoát khỏi xu hướng khó khăn gay gắt kéo dài, nhưng vẫn chưa thực sự được triển khai trong thực tế…

Một cách cụ thể và rõ ràng hơn, ông Thiên đã đề cập hai “cục máu đông” của nền kinh tế trong hiện tại, đó là nợ xấu và tồn kho. Nợ xấu đang vào khoảng 202.000 tỷ đồng, còn hàng tồn kho, chỉ riêng bất động sản đã lên tới 70.000 căn hộ, tương tương 140.000 tỷ đồng. “Giải quyết được cục máu đông này, có khi chúng ta phải mất tới 7 năm”, ông Thiên nói và một lần nữa nhấn mạnh rằng, cần có những “liều thuốc đặc trị” để xoay chuyển tình hình.

Mặc dù không tin rằng năm 2012 này, nền kinh tế Việt Nam xoay chuyển được tình hình, song ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, giải pháp cần làm trước mắt là phải tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu.

“Chúng ta cứ nói là tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng thực tế thì mọi kế hoạch vẫn đang được thảo luận, chưa thống nhất. Chuyện xử lý nợ xấu cũng vậy, chưa tìm ra được đâu là cơ quan chính chịu trách nhiệm về vấn đề này”, ông Ân nói và bày tỏ quan điểm rằng, đã đến lúc nên lập một kế hoạch nhằm phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng.

Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, không chỉ mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra trong năm nay, mà cả năm sau đều khó đạt được. “Nhiều quan điểm cho rằng, nên đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 6% bởi còn liên quan đến các vấn đề như an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhưng theo tôi, 5,5% cũng là một mục tiêu hợp lý. Điều quan trọng là, chúng ta sẽ hướng tăng trưởng vào đâu. Nếu khu vực tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa quá khó khăn, thì sẽ khó cho tăng trưởng và giải quyết việc làm. Do vậy, phải chuyển dịch nguồn lực sang khu vực này, điều tiết lại việc cung ứng tài chính, làm sao để khu vực nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được. Đây chính là khu vực động lực cho tạo việc làm cho nền kinh tế”, ông Thành nói.