Doanh nghiệp vượt qua thách thức để chuyển đổi xanh

Lê Thu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà trở thành con đường bắt buộc để phát triển bền vững.

Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ tại sự kiện
Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ tại sự kiện

Nhiều mô hình xanh

Ngày 23/7, thông tin về Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm BSA, Chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập phối hợp tổ chức, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, chuyển đổi xanh không còn là lý thuyết, mà là hành động sống còn.

Theo bà Hạnh, Diễn đàn lần này không chỉ là nơi trình bày chính sách hay công nghệ, mà là điểm hẹn của những người đang hành động vì tương lai bền vững. Từ diễn đàn, các mô hình tuần hoàn, sản phẩm tái chế, giải pháp xanh sẽ không chỉ nằm trên giấy, mà bước vào cuộc sống thường nhật. Từng cá nhân, từng doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào hành trình xanh hóa Việt Nam.

Diễn đàn tạo không gian kết nối, đối thoại và lan tỏa giải pháp, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp và đời sống, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng tài nguyên, góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) của Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà Vũ Kim Hạnh cũng cho biết, tại Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 sẽ có hàng loạt sản phẩm mang đậm tinh thần đổi mới, từ máy in 3D sử dụng nhựa tái chế cùng các sản phẩm in thực tế, túi đi chợ từ lưới đánh cá, đến robot dọn rác dưới nước và phao chắn rác thông minh.

Tất cả công nghệ trên là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa công nghệ, ý tưởng sáng tạo và tinh thần bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các gian hàng về bao bì sinh học, bao bì giấy, trạm refill và sản phẩm tẩy rửa từ vỏ dứa phản ánh mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng rõ nét, đi cùng xu hướng sống xanh, tiêu dùng có trách nhiệm.

Đặc biệt, nhiều nhóm sinh viên sẽ mang đến ý tưởng như da từ vỏ xoài, viên nén trồng cây từ xơ dừa, hay sản phẩm làm sạch không khí từ vi sinh. Và có cả những sản phẩm ngành dược, mỹ phẩm thiên nhiên và thực phẩm xanh từ các thương hiệu như OPC, Vfarm, Lúa Vàng Việt, Tài Thịnh Phát Farm… khẳng định một xu hướng tiêu dùng lành mạnh, bền vững.

Vượt qua thách thức để chuyển đổi xanh

Chia sẻ về những thách thức gặp phải khi thực hiện chuyển đổi xanh từ ngành dệt may, bà Nguyễn Bích Diền, Phó Tổng Giám đốc Faslink cho biết, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải tăng trưởng và tiếp nhận của thị trường về tăng trưởng của doanh nghiệp là những thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua.

“Khách hàng rất quan tâm về giá cả của sản phẩm xanh, trong khi nguyên liệu được sử dụng cho sản phẩm xanh từ tự nhiên như sợi lá dứa trong dệt may rất khó để có giá thành rẻ, cũng là những thách thức đối với doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh”, bà Nguyễn Bích Diền chia sẻ.  

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ những thách thức, như: công nghệ, sự hợp tác liên ngành… nên cần những giải pháp nghiên cứu khoa học được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Doanh nghiệp chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chuyển đổi xanh
Doanh nghiệp chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chuyển đổi xanh

Ông Võ Văn Luật, Quản lý chi nhánh FUWA BIOTECH miền Nam chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nguyên liệu từ vỏ dứa: "Một trái dứa – ba sáng kiến xanh: từ sợi vải, nước tẩy rửa đến mắm chay".

Theo ông Luật, việc tiếp cận sản phẩm xanh so với nhu cầu thị trường chưa được nhiều. Doanh nghiệp mong muốn có nhiều diễn dàn để chia sẻ với người tiêu dùng để doanh nghiệp có thể phát triển phân phối sản phẩm xanh đến với người tiêu dùng.

Đưa ra sáng kiến từ tái chế phế liệu nhựa, ông Lê Anh, đại diện DUYTAN Recycling, cho rằng, trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng đáng lo ngại, các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt không chỉ trong sản xuất mà còn trong tái tạo giá trị từ vật liệu đã qua sử dụng.

Ông Lê Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tái chế bền vững, với trọng tâm là kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua các sáng kiến đồng hành – từ khuyến khích phân loại rác tại nguồn, chủ động thực hiện chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam, đến phát triển các sản phẩm làm từ nhựa tái chế đạt chuẩn an toàn thực phẩm.

Thách thức đối với DUYTAN Recycling là hệ thống thu gom rác thải nhựa. Hiện doanh nghiệp đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, và hợp tác cùng các đối tác trong nước và quốc tế nhằm khép kín vòng tuần hoàn nhựa. Cùng với đó, doanh nghiệp mong muốn cần có sự phân thải rác thải nguồn đúng cách, nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp sẽ sạch hơn.

 

Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 diễn ra vào ngày 31/7/2025 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), quy tụ gần 500 đại biểu từ các bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trường đại học và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường.