Tìm nguyên nhân Petrolimex lãi hơn 1.579 tỷ đồng
(Tài chính) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa công bố mức lãi khủng trong năm 2013 là 1.579,14 tỉ đồng. Mức lãi này khiến nhiều người đặt câu hỏi Petrolimex thu lợi lớn là nhờ vào đâu ?
Petrolimex đạt mức lợi nhuận bất thường ?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex, lợi nhuận của Petrolimex có xu hướng tăng liên tục, quý I/2013 chỉ đạt khoảng 244,78 tỉ đồng, nhưng các quý sau có quý mức lợi nhuận tăng gấp đôi. Chỉ riêng quý III/2013, lợi nhuận sau thuế TNDN của Petrolimex đạt tới 637,53 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 440,21 tỉ đồng). Lũy kế chín tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đạt hơn 1.418 tỉ đồng (tăng 57,44% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong chín tháng đầu năm nay, giá xăng tăng - giảm rất nhiều lần, có thời điểm giá xăng A92 tăng đến mức kỷ lục 24.570 đồng/lít, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có thời điểm trích lên đến 2.000 đồng/lít xăng A92. Trên thực tế, từ ngày 28/12/2012 đến 22/8/2013, giá xăng A92 đã có bốn lần tăng và bốn lần giảm. Tổng số tiền giảm giá là 1.520 đồng/lít, trong khi số tiền tăng giá là 2.640 đồng/lít.
Ý kiến một số chuyên giaTheo chuyên gia xăng dầu Nguyễn Ngọc Sơn, mặt hàng xăng dầu trong diện cần phải bình ổn giá vì nó có tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế và mặt bằng giá cả, hàng hóa thiết yếu cung cấp cho nhân dân, do vậy, để doanh nghiệp xăng dầu đạt lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng mỗi quý là quá lớn, giá xăng dầu có những thời điểm tăng liên tục hoặc tăng sốc làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất khác là vấn đề cần xem xét lại.
Một số ý kiến khác cho rằng: doanh nghiệp xăng dầu có lãi cũng còn do việc xả quỹ bình ổn giá. Cuối tháng 3/2013, Bộ Tài chính duy trì phương án cho doanh nghiệp đầu mối được sử dụng 2.000 đồng/lít xăng dầu từ quỹ bình ổn giá để bù đắp phần lỗ do giá thế giới tăng cao nhưng giá trong nước được giữ nguyên nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có thời điểm mặc dù giá thế giới đã giảm lại nhưng danh nghiệp vẫn được sử dụng quỹ bình ổn giá này, vì thế, doanh nghiệp có lời cả ngàn đồng. Hoặc có thời điểm trong tháng 8/2013, so giá cơ sở với giá bán lẻ của Petrolimex, doanh nghiệp đã có lời 140 đồng/lít xăng A92 nhưng Bộ Tài chính vẫn cho xả quỹ bình ổn giá thêm 300 đồng/lít. Cộng với 100 đồng/lít lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng, doanh nghiệp có lời 540 đồng/lít. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, đây là điều phi lý vì quỹ bình ổn giá là xây dựng từ tiền của người tiêu dùng đóng góp để bù lỗ, chứ không để tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Một số chuyên gia xăng dầu cho rằng mặc dù đa số thời điểm giá xăng dầu bán lẻ trong nước và giá thế giới thường không có chênh lệch theo hướng có lãi cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn có lời là do cơ chế giá xăng dầu. Bên cạnh khoản lợi nhuận định mức 100-300 đồng/lít tùy thời điểm, giá cơ sở trung bình 30 ngày chỉ là trên công thức, trong khi doanh nghiệp lỗ lãi như thế nào phụ thuộc phần lớn vào giá nhập khẩu thực tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, khi muốn tăng giá, Petrolimex thường báo lỗ. Mức lỗ đúng hay sai rất khó nhận biết vì cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhiều lần lên tiếng rằng, việc công bố lỗ lãi của Petrolimex thường có dấu hiệu tiền hậu bất nhất. Khi muốn tăng giá, Petrolimex thông báo lỗ; nhưng khi muốn có lợi cho hoạt động kinh doanh lại thông báo lãi. Điển hình như hồi tháng 6/2011, để cổ phiếu có lợi trên sàn chứng khoán, Petrolimex đã công bố lãi trước thuế 898 tỷ đồng, trong khi trước đó thường xuyên báo lỗ. Theo ông Nguyễn Minh Phong, trong câu chuyện xăng dầu, có dấu hiệu cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước hiện chưa đủ năng lực để thẩm định chuyện lỗ lãi của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nói chung và Petrolimex nói riêng.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch hội đồng quản trị Petrolimex giải thích con số lợi nhuận 722 tỉ đồng từ kinh doanh xăng dầu có được là nhờ Petrolimex đã tiết giảm chi phí ở mức tối đa và cơ chế quản lý giá xăng dầu đã cởi mở hơn. Tuy vậy, ông Bảo cho rằng mức lợi nhuận này vẫn chưa đạt được mục tiêu của doanh nghiệp (theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông từ đầu năm, cả năm 2013, Petrolimex phải lãi 1.980 tỷ đồng và chia cổ tức là 800 đồng). “Năm 2011, Petrolimex lỗ. Từ năm 2012 đến tháng 9 năm nay, Nhà nước vẫn giữ mục tiêu kiềm chế giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, điều hành giá xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn theo Nghị định 84. Nhưng từ tháng 4/2013 đến nay, điều hành giá đã không còn tình trạng kiềm chế giá quá lâu mà kịp thời điều chỉnh khi giá cơ sở có biến động. Đồng thời lợi nhuận của doanh nghiệp có được cũng nhờ giá thế giới đã ổn định hơn” - ông Bảo cho biết.
Ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng giá cơ sở chỉ là định hướng để điều hành giá bán lẻ trong nước. Nhưng Petrolimex mua xăng dầu luôn có kế hoạch. Để đảm bảo nguồn, gần như ngày nào Petrolimex cũng có tàu nhập hàng. Vì thế, giá nhập của Petrolimex gần đạt được mức bình quân của giá cơ sở. Các đầu mối khác, lượng hàng nhập, dự trữ ít hơn nên sẽ có nhiều khác biệt. Ông Bảo ước tính số lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu trong chín tháng đầu năm 2013 đạt 119 đồng/lít.
Về việc trích quỹ bình ổn, ông Bảo cho rằng một vài ngày giá cơ sở đã bằng giá bán lẻ nhưng vẫn được xả quỹ bình ổn giá cũng không mang lại lời lớn. Tuy nhiên, đây cũng thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp. “Theo tôi, trích và chi quỹ bình ổn khá chặt chẽ” - ông Bảo nói.
Hàng năm, Nhà nước thu thuế từ xăng dầu rất lớn. Trong đó, việc nộp thuế của Petrolimex luôn ở tốp đầu. Do đó, khi bình luận lỗ lãi của Petrolimex cũng cần đánh giá khách quan.
Phải chăng, do cơ quan quản lý còn lúng túng trong điều hành?
Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng việc một số thời điểm doanh nghiệp có lời được nhờ xả quỹ bình ổn giá có thể do trước đó cũng có những thời điểm doanh nghiệp bị lỗ theo công thức giá cơ sở nên cơ quan điều hành giá để doanh nghiệp được “bù lại”.
Tuy nhiên, cách điều hành này dễ gây bức xúc cho dư luận. Bởi khi ghìm giá, doanh nghiệp lỗ họ cũng kêu. Còn khi cho xả quỹ để doanh nghiệp bù lại, người tiêu dùng sẽ bức xúc.
Cũng theo vị chuyên gia này, nguyên nhân còn có phần do lúng túng trong điều hành giá xăng dầu. Thực tế, việc điều hành giá năng động, linh hoạt, phù hợp… là một vấn đề rất khó, có rất nhiều yếu tố tác động vào. Cơ quan quản lý giá bị áp lực phải thực hiện ổn định vĩ mô, áp lực doanh nghiệp kêu lỗ, áp lực từ phía người tiêu dùng, rồi nguồn thu cho ngân sách nhà nước… nên có những tình huống giá xăng biến động nhưng họ vẫn loay hoay vài ngày, thậm chí cả tuần lễ mới đưa ra được quyết định.