Tin đồn và khoảng trống

Theo ĐTCK

Nửa đầu tháng 9, VN-lndex sau vài phiên điều chỉnh giảm đã vươn lên đỉnh cao nhất trong vòng 1năm qua, các cổ phiếu có sự phân hóa mạnh, tính thanh khoản cao.

 Các nhân tố nâng giá từng mã hay nhằm cổ phiếu lần lượt xuất hiện làm dòng tiền "nóng" hoạt động mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều CTCK, thị trường đang được đầu cơ khá lớn dựa theo tin đồn.

 Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh

 

Hai phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu DQC của CTCP Điện Quang bất ngờ tăng giá hết biên độ với lượng đặt mua giá trần mỗi phiên lên tới cả triệu đơn vị. Tin đồn rất thời sự: số nợ xấu hàng trăm tỷ đồng của DQC đang được phía đối tác cùng xem xét thanh toán. “Tin đồn” còn tiết lộ, phía đối tác sẽ thanh toán cho DQC bằng hàng hóa do tình hình nước bạn đang khan hiếm ngoại tệ.

 

Mặt hàng thanh toán sẽ là đường - thế mạnh của Cu ba và đang có giá trong năm 2009. Đúng sai chưa được kiểm chứng, nhưng trên sàn, giá cổ phiếu DQC đang tăng.

 

Với các DN có nguồn vốn chủ sở hữu lớn thì rộ lên tin đồn chia thưởng cổ phiếu. Hầu hết các DN trước đây công bố lộ trình tăng vốn đều trở thành "nạn nhân". Cách đây 1 tháng rộ lên tin đồn CTCP Cơ điện lạnh (REE) chia thưởng tỷ lệ 1:1 khiến cổ phiếu tăng giá trần 4 phiên liền.

 

Cuối tháng 8, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM) được đồn là sẽ chia thưởng tỷ lệ 2:1, khiến cổ phiếu tăng giá mạnh 3 phiên liền. Tin đồn tương tự xảy ra với CTCK SSI, CTCP Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Thép Việt ý...

 

Nhiều DN xuất khẩu cũng là đối tượng của tin đồn, mà trọng tâm là các đơn hàng xuất khẩu. CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) là một ví dụ. Cuối tháng 8 có tin đồn về việc TTF ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gỗ vào thị trường Nhật Bản và châu Âu; đầu tháng 9 lại xuất hiện thông tin TTF tính chuyện chia thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1

 

Đối với một số DN thủy sản thì xuất hiện tin đồn về các hợp đồng lớn “triệu đô”, mà DN vừa ký còn thơm mùi mực ở nước ngoài. Thực tế, cơ hội phục hồi của các DN xuất khẩu khá rõ nét khi bóng đen của cuộc khủng khoảng tinh tế thế giới ngày một xa dần.

 

Kỳ vọng vào sự khởi sắc sắp tới nhưng có lẽ còn quá sớm để hy vọng nhiều DN quay lại ngay quỹ đạo tăng trưởng cũ. Thêm mỗi tin đồn là thêm một lần giá cổ phiếu được nâng lên một mặt bằng mới.

 

Khoản lợi nhuận đột biến của các DN cũng là trọng tâm săn lùng của NĐT. Gần đây có khá nhiều đồn đại về con số hoàn nhận dự phòng lớn của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), cộng với hoạt động kinh doanh chính của ABT vẫn khá tốt - xuất khẩu nghêu không bị ảnh hưởng nhiều do tác động của khủng hoảng, nên NĐT kháo nhau, năm 2009 ABT có thể đạt mức lãi ngang với vốn điều lệ

 

Chính tin đồn đang tạo ra sự hư ảo của TTCK, làm giá cổ phiếu của không ít DN "bay nhảy". Trường phái đầu tư mánh" theo tin dồn bỗng được NĐT ưa chuộng và tỏ ra hợp "mốt" trong tháng 9.

 

Khoảng trống thị trường

 

Cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn nhiều lần là đối tượng của tin đồn. Hồi cuối tháng 5/2009, Công ty đã có công văn phủ nhận tin đồn chia thưởng cổ phiếu. SSI cho rằng, các nguồn tin không chính thức được tung ra thường phục vụ mục đích cá nhân và làm rối loạn thị trường.

 

Cách xử lý của SSI đã khiến sang tháng 8 và đầu tháng 9 khi xuất hiện tin đồn SSI chia thưởng 2:1, rồi 3:1, được NĐT đón nhận thận trọng. giá cổ phiếu SSI trên sàn không có nhiều biến động..

 

Tuy nhiên, ứng xử với tin đồn, phần lớn DN chọn cách im lặng. Lãnh đạo DN có lý khi họ không có nghĩa vụ phải giải thích hay cải chính tất cả mọi lời đồn đại liên quan đến công ty; nhiệm vụ lớn hơn là tập trung điều hành công ty hoạt động hiệu quả.

 

Mặc dù vậy, giá cổ phiếu trên thị trường thứ cấp biến động bất thường, quá cao hay quá thấp đều có tác động trở lại đến hoạt động quản trị DN.

 

Trước đây, một số cuộc họp ĐHCĐ căng thẳng đến mức trở thành tai tiếng có xuất phát điểm từ tin đồn. Hiểu rõ tiềm năng công ty và giá trị cổ phiếu, không ai rõ hơn lãnh đạo DN, những kênh đối thoại giữa DN và cổ đông hiện nay vẫn mờ nhạt, tạo điều kiện cho tin đồn như cỏ dại lây lan...

 

Đáng chú ý trong thời gian qua là không ít tin đồn trở thành... tin chính thức và giá cổ phiếu tăng trước. Trong số này phải kể tới việc đánh giá lại giá trị bất động sản tại một số DN góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong các dự án liên doanh - thu nhập của DN có thể tăng lên cả trăm tỷ đồng và tác động mạnh tới giá cổ phiếu.

 

Trước hiện tượng trên, NĐT đặt dấu hỏi về sự minh bạch của các DN này và phỏng đoán ưu thế trên thị trường nghiêng về những NĐT có lợi thế tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cách công bố thông tin của nhiều DN cũng khiến NĐT thắc mắc.

 

CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) là một ví dụ. Báo cáo soát xét bán niên 2009 của TPC có ý kiến của kiểm toán viên rằng, công ty con của TPC có cơ sở để hoàn nhập dự phòng giảm hàng tồn kho 8,4 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện làm lợi nhuận giảm đi tương ứng.

 

Văn bản giải trình của TPC gửi Sở GDCK TP. HCM (HOSE) không đề cập đến điều này, thuyết minh báo cáo tài chính cũng không giải thích. Điều này càng khiến NĐT phỏng đoán Công ty sẽ có lợi nhuận lớn, gây bất ngờ vào cuối năm.

 

Vẫn có một khoảng thời gian trễ trong việc công bố thông tin “vàng” tạo điều kiện cho tin đồn phát triển khiến NĐT đặt dấu hỏi. Đối với CTCP Đầu tư và phát triển Khu đô thị Sông Đà (SJS), tại sao nghị quyết HĐQT về việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 và quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với giá bằng mệnh giá theo tỷ lệ 2:1 được thông qua từ ngày 10/9, nhưng đến ngày hôm qua vẫn không thấy công bố trên website của Công ty (trưa 14/9 mới được công bố trên website của HOSE)?