Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29% so với cuối năm 2023

Bảo Ngọc

Tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

5 tháng đầu năm 2024, hơn 131 nghìn tỷ đồng được cấp tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
5 tháng đầu năm 2024, hơn 131 nghìn tỷ đồng được cấp tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Như vậy, số dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng thêm 131.393 tỷ đồng, đạt 1.205.437 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số này (26,45%) là dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở, đạt 318.799 tỷ đồng; theo sau là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê, đạt 126.794 tỷ đồng, chiếm 7,8%; dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 94.402 tỷ đồng, chiếm 7,8%.

Bảng 1: Tình hình cấp tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản

STT

NỘI DUNG

 Đến 31/3/2024

 Đến 31/05/2024

I

Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản

1.162.797

1.205.437

1

Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở 

 

315.219

318.799

2

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê

43.336

44.080

3

Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất

 

79.801

 

86.330

4

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng

 

48.239

 

49.127

5

Dư nợ tín dụng đối  với các dự án nhà hàng, khách sạn

61.635

61.483

6

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê

130.732

126.794

7

Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất

85.757

94.402

8

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác

398.078

424.422

II

Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

18.714

14.406

Nguồn: Bộ Xây dựng.

Theo thông cáo của Bộ Xây dựng ngày 13/8, trong tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu năm cộng lại. Ngành Ngân hàng hoàn thành ngoạn mục chỉ tiêu Chính phủ giao.

Tuy nhiên, đáng chú ý là một trong những lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản thời gian qua giảm mạnh, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đều chậm lại, mặc dù giá nhà đang ở mức cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Nguyên nhân được cho là giá nhà đang chênh lệch lớn so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng mới tăng 2,1%. Nguyên do, tín dụng cá nhân, chủ yếu là vay mua bất động sản tăng chậm, thậm chí còn tăng trưởng âm tại quý I/2024.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhiều doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường. Một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý…

Điều này không quá khó hiểu, bởi ngân hàng ngày càng thận trọng hơn trước các quyết định giải ngân trong bối cảnh rủi ro nợ xấu bất động sản gia tăng. Thêm nữa, NHNN khuyến cáo các ngân hàng thương mại hạn chế giải ngân cho các dự án đầu cơ, vì sẽ khiến dòng vốn bị chôn chặt, không luân chuyển được.

Để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, ông Đính cho rằng Chính phủ, các bộ ngành và hệ thống ngân hàng cần sớm ban hành các văn bản, nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 bộ luật vừa mới được thông qua, gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; đảm bảo tính “tương thích” giữa 3 bộ luật cả về mặt phạm vi, đối tượng, thời gian và không gian.