Tín dụng tăng mạnh trong đỉnh dịch COVID-19, tại sao?
Tín dụng tháng 3 tăng mạnh trở lại cho thấy điều gì? Nền kinh tế đang phục hồi trở lại chỉ là "đột biến"?
Trong thông tin cập nhật mới đây về tình hình tín dụng ngân hàng quý 1/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (dựa trên số liệu NHNN cung cấp), tính đến ngày 20/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 0,68%, thấp kỷ lục 3 năm. Như vậy, chỉ trong nửa cuối tháng 3, tín dụng ngân hàng đã kịp tăng thêm 0,62%, để cả quý 1 đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 1,3%. Đây là quả thực là những con số đáng bàn để biết có thực sự các doanh nghiệp đang phục hồi trở lại?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính về vấn đề này.
Phóng viên: Tín dụng bất ngờ tăng mạnh trở lại vào tháng 3 - thời điểm được coi là đỉnh của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và thế giới, theo ông tại sao lại như vậy?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo số liệu tôi cập nhật được, quý 1/2020 tăng trưởng tín dụng là 0,68%, mới bằng gần một nửa cùng kỳ năm 2019. Tháng 3 tín dụng tăng "đột biến", số liệu NHNN cập nhật tính đến 31/3 là 1,3%. Điều này có thể lý giải là do doanh nghiệp đang phải sử dụng hạn mức tín dụng để trang trải những khoản chi phí bất thường phát sinh - kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp rơi vào tình trạng giảm doanh thu, khó khăn về tài chính nên họ cần hỗ trợ từ tín dụng ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, dù tháng 3 có tăng cao thì tăng trưởng tín dụng quý 1 vẫn thấp so với cùng kỳ những năm trước. Con số tăng trưởng tháng 3 không đại diện cho xu hướng chung của toàn bộ nền kinh tế. Tín dụng vẫn đang bị thu hẹp và doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận vốn.
Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp đang rất khát vốn, nhưng liệu ngân hàng có dám cho vay? Điều này sẽ đặc biệt thấy rõ khi bắt đầu quý 2, nền kinh tế phải đối diện với tình trạng nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc sản xuất chậm lại, rất nhiều người lao động mất việc làm.
Như vậy cũng có thể thấy, ngân hàng đang phải đứng giữa 2 lựa chọn, một là mở rộng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao, hoặc là thắt chặt tín dụng để không bùng phát nợ xấu?
Đúng là như vậy. Các ngân hàng đang rất thận trọng ở thời điểm hiện tại. Dù Chính phủ có liên tục yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp với gói hỗ trợ lãi suất lên tới 300.000 tỷ, nhưng đó chỉ là lời hiệu triệu từ Chính phủ, ngân hàng có muốn cho doanh nghiệp, nhưng khi xảy ra nợ xấu, ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì thế, các ngân hàng phải tự bảo vệ mình, không mạo hiểm cho vay ở thời điểm hiện tại.
Chúng ta cũng không thể trông chờ vào ngành ngân hàng và yêu cầu họ cứu vãn nền kinh tế. Đây là việc mà Chính phủ phải làm. Đây là lúc tiền ngân sách phải được đổ vào nền kinh tế, dù có phải đối diện với nguy cơ lạm phát hay ngân sách eo hẹp. Doanh nghiệp cần được Chính phủ cứu để vượt qua giai đoạn này.
Cách đây 2 tuần, theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Thống kê đã có hơn 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, thanh khoản thấp dẫn tới mất thanh khoản khiến ngân hàng đang rất lo ngại rủi ro nợ xấu. Các ngân hàng đang ở trong trạng thái quan sát, không dám cho vay mới. Điều này là dễ hiểu khi nợ xấu đã từng là nỗi ám ảnh dài lâu cho ngành ngân hàng và cả nền kinh tế trong nhiều năm qua.
Doanh nghiệp đói vốn không thể trông chờ vào ngân hàng, vậy họ phải làm sao để tồn tại?
Như tôi đã nói, doanh nghiệp không thể trông chờ vào ngân hàng để cứu cả nền kinh tế. Quan trọng lúc này chính là những gói hỗ trợ từ chính sách của Chỉnh phủ.
Hiện tại, tôi được biết có 3 gói hỗ trợ lớn từ Chính phủ là gói 300 nghìn tỷ để ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; thứ 2 là gói 180 nghìn tỷ dành cho Bộ Tài chính hỗ trợ các loại thuế phí cho doanh nghiệp; và thứ 3 là gói 62 nghìn tỷ để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Nếu tính tổng 3 gói này cũng vào khoảng 500 nghìn tỷ, bằng khoảng 8% GDP của Việt Nam. Đây là một con số lớn và phù hợp. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy người lao động nào nhận được tiền từ gói hỗ trợ này.
Như vậy có thể thấy về chính sách thì đã đủ, nhưng việc thực thi còn chậm. Virus không chờ đợi ai và bản thân doanh nghiệp, người dân cũng không thể chờ lâu được. Vì vậy, các gói hỗ trợ này cần phải được triển khai ngay chỉ trong ngày một ngày hai chứ không thể kéo dài mãi thế này được.
Xin cảm ơn ông!
Thống đốc NHNN cho biết, năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ 11-14%. Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.