Cơ hội bùng nổ mobile money
Tiền di động đang được Chính phủ thúc đẩy đưa vào hoạt động nhằm giảm tiếp xúc xã hội và lưu thông tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Từ sau khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và diễn biến phức tạp, Chính phủ có nhiều động thái thúc đẩy để đưa tiền di động (mobile money), một loại phương thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ.
Tại cuộc họp thường trực chính phủ ngày 13/4, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm đưa dịch vụ tiền di động đi vào hoạt động nhằm giảm giao tiếp xã hội. Đầu tháng 3, trong chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN trình ngay việc thí điểm cá biệt tiền di động.
Phổ biến trên thế giới và tiềm năng tại Việt Nam
Theo Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA), năm 2018, tiền di động hiện diện tại 90 quốc gia thì đến cuối năm 2019 tăng lên 95 quốc gia; 1,04 tỷ tài khoản đăng ký, tăng 10% so với năm trước. Trong đó số lượng tài khoản duy trì hoạt động 372 triệu đơn vị, tăng gần 14%.
Số lượng giao dịch bình quân trong cả năm 2019 qua kênh này đạt đạt 37,1 tỷ giao dịch, cao hơn 22% so với năm trước với giá trị 690,1 tỷ USD, tăng 26%.
Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng hoạt động tiền di động cao nhất thế giới năm qua, với 158 triệu tài khoản tăng gần 24% gồm 60 triệu tài khoản dùng duy trì thường xuyên, cao hơn hơn 29% so với năm trước. Số lượng và giá trị giao dịch qua phương thức này tăng lần lượt 53% và 41,5% so với năm 2018.
Tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo BIDV nhận định tiền di động có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2019, Việt Nam có 129,5 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 45% dân số năm 2019, Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan, báo cáo đánh giá.
Trích báo cáo viện nghiên cứu và đào tạo BIDV. |
Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng internet cao với 70,3%, tương ứng 68,5 triệu người dùng năm 2019.
Mặt khác, ở phía người dùng, còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng, theo NHNN, tháng 11/2019, thấp hơn so Trung Quốc 80% và Châu Á Thái Bình Dương 70%. Đây cũng là đối tượng mà tiền di động hướng tới. Mạng lưới của các doanh nghiệp viễn thông sẽ vươn tới các vùng sâu, vùng xa và đưa các dịch vụ tài chính tiếp cận người dân.
Công cụ giảm lưu thông tiền mặt nhưng cần thận trọng
Đến cuối năm 2020, Chính phủ định hướng giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán xuống 10% từ mức 11,33% của năm trước. Trong bối cảnh, tỷ lệ tiền mặt lưu thông/ GDP của Việt Nam lên tới 20%, cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, tiền di động được xem là một trong những hướng đi để phố biển thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp với nhiều nguồn lây lan khác nhau, việc giảm lưu thông tiền mặt càng trở nên cấp thiết và là mục tiêu của Chính phủ. Với gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 61.500 tỷ đồng hướng đến khoảng trên 10 triệu người lao động yếu thế, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu dùng tiền di động ngày càng hiện hữu, theo đánh giá của nhóm tác giả viện đạo tạo BIDV.
Với tình trạng dịch bệnh, người dân đang dần thích ứng với việc giao dịch online nhiều hơn, với nhiều ưu điểm như thuận tiện, minh bạch, tiết kiệm chi phí giao dịch, giảm thiểu rủi ro tiền mặt, triển khai tiền di động thời điểm này sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Trích báo cáo viện nghiên cứu và đào tạo BIDV. |
Trong 2 năm gần đây, NHNN đã xây dựng và lấy ý kiến Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012, làm tiền đề đưa loại hình mới thanh toán mới vào hoạt động. Dự thảo nghị định định nghĩa tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Đồng thời, nghị định cũng đưa vào điểm mới quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Các ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ... Nói cách khác, các doanh nghiệp viễn thông như Vietel, MobiFone, VNPT… sẽ gia nhập thị trường thanh toán.
Dù có nhiều ưu điểm, việc triển khai tiền di động tại Việt Nam được cho là vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Báo cáo của Viện Nghiên cứu BIDV đề cập, tài khoản tiền di động được định danh qua số thuê bao khách hàng tại công ty viễn thông, trong khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại có thể khiến loại hình này trở thành kênh rửa tiền, nếu không được quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh đó, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý tiền di động cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an… Các phương án quản lý và bảo mật cũng cần được xây dựng phù hợp, đề đối phó với tội phạm công nghệ thông tin hoặc các đối tượng khác.
Mặt khác, mạng lưới đại lý phát triển cũng tiềm ẩn rủi ro về trình độ nhận thức, phát sinh trường hợp thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng, thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền… Việt Nam còn cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiền di động.