Tín dụng tăng trưởng vượt kỳ vọng

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

“Dư nợ tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm, đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong cuộc họp báo về điều hành chính sách tiền tệ chiều 11/6. Mức tăng này đã vượt kỳ vọng của các ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặt bằng lãi suất ổn định

Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm.

“Các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt”. Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 9 - 11%/năm; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4 - 5%/năm.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Dư nợ tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm, đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017.

Cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. NHNN cũng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đã vượt mong đợi của các ngân hàng. Theo công bố của Vụ Dự báo, thống kê NHNN hồi tháng 4 vừa qua, các ngân hàng kỳ vọng quý II/2018 tín dụng sẽ tăng 4,85%. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017 (6,53%) thì tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn 0,37 điểm phần trăm. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, tín dụng tăng chậm lại là một dấu hiệu tích cực.

Nó cho thấy các ngân hàng đã bắt đầu chú trọng phát triển mảng dịch vụ và kiểm soát chất lượng tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro nợ xấu, không cung ứng tín dụng tràn lan dù lãi suất cho vay có hấp dẫn đến đâu. Bên cạnh đó, các ngân hàng tập trung cho tín dụng trung, dài hạn khi cho vay phân khúc này đến tháng 3/2018 chiếm 53,2% tổng dư nợ.

Thường lãi suất cho vay trung, dài hạn cao hơn cho vay ngắn hạn. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Doanh nghiệp hoạch định được chu kỳ sản xuất - kinh doanh dài hơi, còn ngân hàng thu được lợi nhuận cao và ổn định hơn.

Đã xử lý 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), những khó khăn trong xử lý nợ xấu trước đây đã dần được tháo gỡ, nhờ đó quá trình xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Đến nay, về cơ bản, các ngân hàng thương mại đã xây dựng xong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, trình NHNN phê duyệt. Theo một báo cáo của NHNN gửi đến QH trong Kỳ họp thứ Năm, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 của 3 trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

NHNN cũng đã hoàn thiện phương án xử lý 3 ngân hàng thương mại mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á và đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trên cơ sở Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được QH thông qua.

Từ nay đến cuối năm, “NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của tổ chức tín dụng để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

“Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng nhấn mạnh.