Tín dụng tiêu dùng sẽ chiếm 10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2020
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng. Giá trị tín dụng tiêu dùng ước tính bằng khoảng 6,4% tổng GDP của Việt Nam và dự báo đến 2020 có thể đạt 10%, tương ứng khoảng 20 tỷ USD.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm vừa qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 16 công ty tài chính, đây được xem là miếng bánh béo bở. Theo báo cáo tài chính của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cho biết, chỉ trong hai năm 2013 – 2014, mức lợi nhuận của công ty này đã tăng 38,7%; tổng tài sản tăng 124,7% từ mức 2.611 tỷ đồng lên mức 5.867 tỷ đồng.
Bên cạnh xu hướng tăng trưởng này cũng phản ánh thực trạng đó là, số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng gia tăng với khoảng 80% phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng liên quan đến tài chính tiêu dùng.
Bàn về vấn đề này, ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, dùng người tiêu dùng phản ánh nhân viên tại các công ty tài chính cho vay tiêu dùng cung cấp thông tin không đầy đủ, không rõ ràng, không chính xác, có dấu hiệu cố tình gây nhầm lẫn, lừa dối.
Đứng ở góc độ người vay, họ được nhân viên của bên cho vay tư vấn mức lãi suất rất thấp nhưng đến khi phát hiện thì hợp đồng có lãi rất cao, có khi lên đến 60-70%/năm, thậm chí cao hơn. Điều này thường diễn ra khi hợp đồng in sẵn với những điều khoản có lợi cho bên cho vay và bỏ trống phần lãi suất, sau đó được gửi đến cho người tiêu dùng thì mức lãi suất được ghi cao hơn nhiều.
Thêm vào đó, các nhân viên tư vấn cũng không cảnh báo cho người tiêu dùng về thời hạn trả nợ, các khoản phí phạt. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng bức xúc về việc bị quấy rối thông qua nhắn tin, điện thoại, làm phiền các thành viên trong gia đình khi đòi nợ.