Tín dụng tư nhân sẽ bùng nổ ở châu Á
Nhiều chuyên gia nhận định, tín dụng tư nhân sẽ bùng nổ ở châu Á, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tín dụng tư nhân đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua. Từng được dự đoán sẽ đạt 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tín dụng tư nhân đã vượt qua mốc đó vào đầu năm nay và hiện được ước tính sẽ đạt 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Tuy nhiên, bức tranh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại hoàn toàn khác. Theo dữ liệu từ dịch vụ nghiên cứu Preqin, trong khi tín dụng tư nhân đã thu hút rất nhiều sự chú ý ở châu Á - Thái Bình Dương, thì khu vực này chỉ chiếm 6% tổng tín dụng tư nhân toàn cầu được quản lý.
Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 30% trong tổng tài sản được quản lý của khu vực. Hơn nữa, tỷ lệ tín dụng tư nhân trên tài sản nợ tư nhân là 30,8% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, so với 5,2% ở My và 3,5 ở châu Âu, theo Preqin.
Thị trường tín dụng tư nhân ở châu Á rõ ràng đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng, nhưng mọi cảnh báo về bong bóng tín dụng tư nhân đều là quá sớm.
Tại khu vực này, có một cơ hội lớn cho các nhà quản lý quỹ và chủ sở hữu tài sản tham gia tài trợ cho doanh nghiệp tư nhân, cũng như cho các cơ quan quản lý trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực đó. Cơ quan tiền tệ Singapore đã bày tỏ sự lạc quan và có ý định hỗ trợ sự tăng trưởng tín dụng tư nhân.
Chính sách cho vay ngân hàng chặt chẽ hơn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tư nhân. Các quy định về vốn ngân hàng quốc tế đã hạn chế khẩu vị rủi ro của các ngân hàng ở châu Á, cũng như ở những nơi khác. Bên cạnh đó, lãi suất tăng mạnh ở các thị trường lớn kể từ đầu năm 2022 đã khiến người đi vay gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay thông qua các khoản vay ngân hàng hoặc trái phiếu.
Các SMEs đang thiếu nguồn vốn tín dụng trầm trọng. Theo Ngân hàng Thế giới, do các ngân hàng có xu hướng tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp lớn hơn nên các SMEs ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ước tính có khoảng 2,39 nghìn tỷ USD nhu cầu tài chính hàng năm chưa được đáp ứng.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, các SMEs chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp châu Á, cung cấp 2/3 việc làm trong khu vực tư nhân trong khu vực. Các doanh nghiệp này rất quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực và cần được hỗ trợ tài chính tốt hơn những gì họ hiện đang nhận được.
Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng đưa ra triển vọng hấp dẫn cho các nhà đầu tư tín dụng toàn cầu, vì khu vực này chiếm gần 2/3 GDP toàn cầu. Do đó, Quỹ đầu tư tư nhân KKR kỳ vọng lợi nhuận từ tín dụng tư nhân ở châu Á sẽ tăng mạnh trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không phải là một thị trường đồng nhất như Mỹ hay Châu Âu. Theo nhiều chuyên gia, nếu châu Á muốn thúc đẩy tín dụng tư nhân, các nhà quản lý và chủ sở hữu tài sản quốc tế phải vượt qua những thách thức do hệ thống pháp lý đặt ra.
Trong số các nhà quản lý tài sản đã nhận ra nhu cầu này có Apollo Global Management. Năm 2022, tập đoàn này đã ra mắt quỹ tín dụng châu Á-Thái Bình Dương trị giá 1,25 tỷ USD với sự hợp tác của nhà quản lý quỹ hưu trí Australia Hostplus.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi phương Tây lo ngại về rủi ro của tín dụng tư nhân, các nhà đầu tư và cơ quan quản lý ở châu Á hẳn đã cảm nhận được cơ hội. Nếu tín dụng tư nhân phát triển mạnh ở châu Á, giống như ở Mỹ, nó sẽ mang lại đòn bẩy lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp vốn là động lực của nền kinh tế khu vực.