Tỉnh Bạc Liêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Để tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm, Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút đầu tư và tập trung vận động thành lập doanh nghiệp (DN) mới. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và DN còn bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh tại Chi nhánh Agribank TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh tại Chi nhánh Agribank TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 với mục tiêu chung là: Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để giải quyết những hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cùng DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong quý II/2022, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Luật DN gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải pháp khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các DN thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tập thể, hợp tác xã, DN nhỏ và vừa. Đẩy mạnh công tác giải quyết hoàn thuế theo quy định để tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn về vốn tín dụng, nhất là người vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hạn hán và các DN vừa và nhỏ, các lĩnh vực sản xuất lưu thông hàng hóa thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - DN và triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành...