Tỉnh Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

PGS.TS. Bành Quốc Tuấn - Trương Thị Bích Hạnh

Với phương châm “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, từ khi thành lập đến nay, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút FDI cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định cần nhanh chóng khắc phục. Thời gian tới, tỉnh Bình Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết là tăng cường thu hút, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án FDI theo hướng thực chất hơn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài - động lực tăng trưởng mới của tỉnh

Để huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều quyết sách để thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới. Một phần tư thế kỷ trước, toàn tỉnh chỉ có 263 dự án FDI với tổng vốn là 1,16 tỷ USD, nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền trong triển khai thực hiện thu hút đầu tư FDI cho tỉnh, đến nay, tổng số dự án đầu tư FDI của tỉnh đã tăng lên 4.012 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt 37,14 tỷ USD, chiếm khoảng 9,2% tổng số vốn đầu tư của cả nước, đứng thứ ba chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Năm 2021, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nền kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng bị ảnh hưởng trầm trọng, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, song thu hút FDI của tỉnh Bình Dương vẫn đạt 2,069 tỷ USD, vượt 14,9% kế hoạch năm.

Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, chất lượng các dự án FDI của tỉnh được nâng cao rõ rệt. Thu hút đầu tư của tỉnh từng bước được chọn lọc, tập trung vào những dự án có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, đặc biệt là các dự án lớn góp phần phát triển đô thị và dịch vụ chất lượng cao. Nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như: Tokyu Nhật Bản, Procter & Gamble (P&G), Kumho, SCG Siam Cement, Uni-President, Maruzen foods, Mapletree... đã chọn tỉnh Bình Dương là điểm đến hấp dẫn, an toàn để đầu tư.

Hiện nay, có khoảng 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, phần lớn là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc và Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc)... chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu với 853 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 6,2 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn FDI; tiếp đến là Nhật Bản, tương ứng với 329 dự án, tổng số vốn 5,8 tỷ USD, chiếm 15,5%; Xin-ga-po với 271 dự án, tổng số vốn 4,8 tỷ USD, chiếm 13,1%...

Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh Bình Dương đã sớm xây dựng và tập trung triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Để hiện thực hóa Đề án, tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm dựa trên nền tảng mô hình “Ba nhà”(1), đây là mô hình thúc đẩy và chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền, các doanh nghiệp, các viện, trường học trong tỉnh và liên kết linh hoạt với các vùng khác trong nước.

Ngoài ra, tỉnh đã chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF); đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện quốc gia, quốc tế quan trọng như: Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis 2019... Qua đó, góp phần giới thiệu hình ảnh, nâng cao vị thế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, hợp tác kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư và xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới.

Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, nhất là ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh luôn bám sát, thực hiện tốt các định hướng thu hút FDI, chủ động lựa chọn xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới, phù hợp với đặc điểm, kết cấu hạ tầng của địa phương; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với định hướng, tầm nhìn dài hạn; nâng cao hiệu quả quản lý vốn và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng của quốc gia trên địa bàn, các công trình trọng điểm của tỉnh...

Từ khi đất nước hội nhập đến nay, khu vực FDI ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, về mặt kinh tế, các dự án FDI chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội, tác động mạnh mẽ đến phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách tỉnh Bình Dương, góp phần đưa đất nước hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các dự án FDI còn tạo việc làm cho người lao động, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ đối ngoại, tiến tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cụ thể:

Về mặt kinh tế, FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế. Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn chế, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành kịp thời đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của địa phương. Từ năm 2012 - 2016, vốn FDI chiếm từ 47% đến 50% cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, chứng tỏ vốn FDI đã trở thành một trong những nguồn lực to lớn góp phần quan trọng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương. Đầu tư nước ngoài đã thu hút các ngành công nghiệp mới sử dụng công nghệ hiện đại và có tác dụng lan tỏa, tăng cường năng lực cho nhiều ngành, nghề khác. Một số ngành công nghiệp đạt giá trị sản xuất công nghiệp cao và có mức tăng mạnh mẽ như sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn; đồ trang trí nội thất, đồ gỗ; chế biến thực phẩm; hóa chất, dược phẩm... ngày càng phát triển. Nguồn vốn FDI còn góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng, như công nghiệp hỗ trợ, hoá chất, cơ khí chế tạo điện tử, tin học, công nghệ ô-tô, xe máy... Hầu hết các doanh nghiệp có vốn FDI đều áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, được kết nối và chịu ảnh hưởng của hệ thống quản lý hiện đại của doanh nghiệp mẹ.

Về mặt xã hội, các doanh nghiệp FDI của tỉnh đã tạo ra việc làm, thu hút lao động chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương. Với trình độ quản lý hiện đại, các doanh nghiệp này góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Cuối năm 2016, khu vực có vốn FDI đã có gần 500.000 lao động, chiếm 40% tổng số lao động trên địa bàn, trực tiếp phục vụ trong khu vực dịch vụ và xây dựng, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống người dân, đưa mức GRDP đầu người tăng lên hằng năm. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp có vốn FDI, tỉnh Bình Dương đã từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề, tác phong công nghiệp hiện đại; tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao; có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Vai trò của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương còn thể hiện qua đóng góp vào giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng như phạm vi quốc gia. Theo Cục thống kê tỉnh Bình Dương, trị giá xuất khẩu hàng hóa năm 1997 đạt 363 triệu USD, đến năm 2021 đạt 32.512 triệu USD, tăng 32.149 triệu USD, gấp 89,56 lần so với năm 1997, bình quân tăng 22,27%/năm. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn FDI đóng góp 80%, bình quân tăng 26,81%/năm; xuất khẩu tăng ở hầu hết các thị trường và đã xuất khẩu hàng hóa đến 230 quốc gia, vùng lãnh thổ(2).

Vẫn còn những khó khăn

Thứ nhất, chính sách về FDI chưa theo kịp yêu cầu, thực tiễn phát triển. Các chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, chưa thật sự ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao.

Thứ hai, khả năng cung ứng đội ngũ nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp có vốn FDI, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hóa, xã hội thiết yếu.

Thứ ba, hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài của tỉnh chưa theo kịp tốc độ phát triển. Song song đó, việc phát triển tổ chức và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn FDI còn khó khăn.

Thứ tư, số lượng dự án FDI đa phần còn quy mô nhỏ, công nghệ chưa thật sự hiện đại, thâm dụng lao động vẫn tồn tại; hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; tỷ lệ nội địa hóa vật tư, sản phẩm chưa thật sự cao; tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn hạn chế. Vì vậy, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa đạt như mong muốn; liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế còn thiếu chặt chẽ...

Thư năm, vẫn còn xảy ra các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, “núp bóng” và có xu hướng ngày càng tinh vi. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới

Nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu tổng quát là: “phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”, thì việc tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong thu hút FDI là một trong những nhân tố góp phần tăng nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị cùng người dân tỉnh Bình Dương cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, quyết tâm phát huy những lợi thế đã có, thậm chí bứt phá, đi trước các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù trong thu hút FDI. Tiếp tục nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, bảo đảm tính đồng bộ giữa pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài với các quy định pháp luật khác trong hệ thống pháp luật; bảo đảm sự phù hợp giữa các chủ trương, chính sách của tỉnh Bình Dương về thu hút FDI với các văn bản pháp luật khác có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Hai là, tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp FDI trong chấp hành pháp luật về lao động, tài chính, bảo vệ môi trường, chống các hoạt động chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế... Để thực hiện tốt công tác này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng khác nhau như bộ phận quản lý xuất, nhập cảnh, cư trú, cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, cơ quan thuế, hải quan... nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Ba là, phát triển công nghiệp dịch vụ theo hướng hiện đại, nhanh chóng bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến. Trong đó cần tập trung các dự án sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị ô-tô, xe máy và điện tử; quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học...; chú trọng công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)...; đồng thời, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư gắn với nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Tỉnh Bình Dương cần xác định “chuẩn” dự án đầu tư được phép triển khai trên địa bàn theo hướng hạn chế tối đa những dự án thâm dụng lao động, công nghệ cũ, ô nhiễm môi trường...

Bốn là, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, nước sạch nông thôn, cơ sở giết, mổ gia súc, gia cầm... theo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp dịch vụ như logistics, kho bãi, kho lạnh và các dịch vụ khác theo các cam kết quốc tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, tỉnh Bình Dương đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng tách các quy định riêng về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong Bộ luật Lao động cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan để tập trung vào đạo luật riêng về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam./.

----------------------

(1) Bao gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường/viện nghiên cứu. Mô hình 3 nhà là chìa khóa dẫn đến thành công của thành phố Eindhoven (Hà Lan) - thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2011 theo tiêu chí đánh giá của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
(2) Cục Thống kê tỉnh Bình Dương: Bình Dương - Con số và sự kiện - 25 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 71.

Theo tapchicongsan.org.vn