Tỉnh Bình Dương sẽ phát động chiến dịch cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Lê Văn

Theo đại diện Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 4/2025, thanh toán kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Bình Dương chỉ đạt 1,87% kế hoạch giao, số tiền đã giải ngân là gần 412 tỷ đồng. Vì vậy, từ ngày 30/6- 30/8/2025, UBND tỉnh Bình Dương sẽ phát động chiến dịch cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương có chiều dài khoảng 26,6km đang vướng công tác giải phóng mặt bằng
Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương có chiều dài khoảng 26,6km đang vướng công tác giải phóng mặt bằng

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2025, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh có kế hoạch đầu tư công là trên 22.718 đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là trên 5.609 tỷ đồng, thực hiện 3 dự án; vốn ngân sách địa phương là trên 17.109 đồng bao gồm 40 dự án. Kế hoạch đầu tư công năm 2024 chuyển tiếp sang năm 2025 là trên 462 tỷ đồng, thực hiện 2 dự án.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4/2025, thanh toán kế hoạch đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ đạt 1,87% kế hoạch giao, số vốn đã giải ngân là 411 tỷ 848 triệu đồng, đạt 1,81% kế hoạch.

“Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Bình Dương rất lớn, trong đó vốn dành cho giải phóng mặt bằng chiếm trên 80%...”- ông Trần Hùng Việt cho biết.

Cụ thể, như: Dự án thành phần 1 đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn có kế hoạch vốn năm 2025 là trên 6.447 tỷ đồng, tuy nhiên đến ngày 28/4 chưa được giải ngân.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến Vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước (TP. Bến Cát) có kế hoạch vốn năm 2025 là 1.372 tỷ 905 triệu đồng, đến ngày 28/4 chưa được giải ngân. Dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên đường ĐT744 đoạn qua xã Phú An, phường An Tây, TP. Bến Cát có kế hoạch vốn năm 2025 là 440 tỷ đồng, đến ngày 28/4 giải ngân được 37,4 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch.

Dự án thành phần 1 đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh- TP. Thủ Dầu Một- Chơn Thành đoạn qua Bình Dương có kế hoạch vốn năm 2025 là 8.000 tỷ đồng (gồm vốn Trung ương là 4.000 tỷ đồng, vốn địa phương 4.000 tỷ đồng), nhưng đến ngày 28/4 mới giải ngân được trên 3 tỷ đồng.

Dự án khởi công mới và thực hiện đầu tư, như dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có kế hoạch vốn năm 2025 là trên 2.213 tỷ đồng, đến ngày 28/4 mới giải ngân được 148 tỷ 962 triệu đồng, đạt 6,72% kế hoạch.

Dự án thành phần 6- bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương có kế hoạch vốn năm 2025 là gần 3.000 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương là 1.000 tỷ đồng, vốn địa phương là gần 2.000 tỷ đồng), đến ngày 28/4 mới giải ngân được gần 190 tỷ đồng, đạt 6,52% kế hoạch.

Phát động chiến dịch cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Lý giải về nguyên nhân khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Hùng Việt cho biết, hiện nhiều dự án đang triển khai vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cụ thể là việc lựa chọn tư vấn xác định giá đất, thủ tục phê duyệt đơn giá bồi thường kéo dài, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư...

Đối với dự án khởi công mới, công tác tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán bao gồm hồ sơ điều chỉnh và thực hiện trình thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn chậm.

Đối với dự án thực hiện đầu tư, mặc dù đã có mặt bằng, tuy nhiên do bàn giao mặt bằng không liên tục nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mặt khác, một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để giải ngân vốn.

 “Với số vốn bố trí rất lớn, trong đó vốn thực hiện giải phóng mặt bằng chiếm trên 80%, nếu các địa phương không phê duyệt đơn giá bồi thường giải pháp mặt bằng trong tháng 5/2025, các dự án đầu tư công của Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh”- ông Trần Hùng Việt cho biết.

Trước những kiến nghị trên, ông Từ Phương Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tăng cường nhân lực, hợp đồng thêm cán bộ để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận động người dân bàn giao đất, ưu tiên giải quyết sớm các trường hợp đã đồng thuận. Mặc dù lực lượng của Trung tâm hiện tại còn mỏng, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành"- ông Từ Phương Thắng cho biết.

Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc, khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt phương án bồi thường đối với phần diện tích đất còn lại, cũng như hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt đơn giá đất ở các địa phương còn lại; Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát, điều động nhân lực bổ sung để đẩy nhanh công tác phê duyệt giá đất.

"Kinh nghiệm từ một số địa phương cho thấy, việc thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn vốn ngân sách bồi thường được chi trả hết cho người dân đang rất cần để ổn định cuộc sống, là rất quan trọng. Do đó, việc xây dựng giá và triển khai thực hiện dự án một cách hiệu quả, sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giúp chúng ta về đích sớm trong công tác chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, đạt yêu cầu và chỉ tiêu đề ra"- ông Bùi Minh Thạnh chia sẻ.

Đẩy đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Bình Dương sẽ phát động chiến dịch cao điểm giải ngân vốn đầu tư công với các mốc thời gian cụ thể là 30/6- 30/8, thể hiện quyết tâm đưa các dự án giao thông trọng điểm về đích đúng hẹn, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bình Dương và cả  vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.