TP. Hồ Chí Minh xây Nhà văn hóa Thanh niên mới hơn 2.240 tỷ đồng

Phạm Thọ

TP. Hồ Chí Minh đang tổ chức đấu thầu tìm đối tác để xây dựng Nhà văn hóa Thanh niên có tổng vốn đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng, quy mô 25 tầng.

Nhà Văn hóa Thanh niên được xây mới 25 tầng
Nhà Văn hóa Thanh niên được xây mới 25 tầng

Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp được giao làm chủ đầu tư dự án. Hiện, đơn vị này đang tổ chức đấu thầu, tìm các đối tác tiến hành xây dựng.

Nhà văn hóa Thanh niên được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Ngân sách thành phố (theo Quyết định số 6075/QĐ-UBND).

Dự án là công trình dân dụng, nhóm A, cấp I, thời hạn sử dụng theo thiết kế trên 100 năm. Công trình tọa lạc ở số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Sài Gòn với diện tích đất hơn 13.300 m2; quy mô 25 tầng có 4 tầng hầm và 21 tầng nổi, chiều cao tới đỉnh mái hơn 84 m. Tiến độ thực hiện đến năm 2028.

Đáng chú ý, công trình được thiết kế với 4 tầng hầm tổng diện tích gần 50.000 m2 đều bố trí làm bãi đậu xe ô tô. 

Bên cạnh đó, mỗi tầng sẽ có các phòng chức năng khác nhau để tổ chức sự kiện, triển lãm, văn phòng, thư viện, bố trí các quỹ thanh niên khởi nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ, chuyển đổi số...

Theo Quyết định số 3031/QĐ-UBND về phê duyệt dự án xây dựng Nhà văn hóa Thanh niên do Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường ký cuối tháng 6/2025 xác định, Nhà văn hóa Thanh niên được đầu tư để phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tình nguyện cho thanh niên và cộng đồng; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và bản lĩnh văn hóa dân tộc cho thanh niên.

Nhà Văn hóa Thanh niên - địa chỉ lịch sử của phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn từ trước năm 1975 - được giới hạn bởi các trục đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm. Đây cũng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh.

Kể từ ngày thành lập (4/9/1979), địa chỉ này đã trở thành điểm hẹn của đông đảo bạn trẻ. Mỗi năm Nhà Văn hóa Thanh niên có khoảng 5 triệu lượt thanh niên đến sinh hoạt, học tập. Tuy nhiên, do quy mô có hạn, lại ít được nâng cấp nên Nhà Văn hóa Thanh niên không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thanh niên trên địa bàn.

Năm 2015, Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo đầu tư xây dựng mới Nhà văn hóa Thanh niên. Sau đó, UBND Thành phố giao các sở ngành phối hợp. Ban đầu, dự án dự kiến có vốn 800 tỷ đồng. Sau đó, dự án này được điều chỉnh quy mô, tăng vốn đầu tư. Cách đây hai năm, công trình được điều chỉnh lên 2.240 tỷ đồng.

Hiện, Thành phố đã xác định được Nhà thầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; Nhà thầu khảo sát xây dựng, khảo sát địa chất; Nhà thầu đo đạc lập bản đồ hiện trạng và Nhà thầu thẩm tra.