Tính giá điện: Nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi


Sau khi giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20/3/2019, nhiều hộ gia đình phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, gấp 2-3 lần. Vấn đề này đã làm "nóng" tại phiên khai mạc Quốc hội sáng ngày 20/5.

Cần có phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng khi tăng giá điện.
Cần có phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng khi tăng giá điện.

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc 20/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, các cơ quan chức năng đang thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), vấn đề giá điện đang gây nhiều băn khoăn cho người dân và cần phải điều chỉnh, giải thích hợp lý.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, việc tăng giá các mặt hàng đầu vào, nhất là giá xăng dầu, điện, dịch vụ y tế... đã ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất tăng chậm lại.

Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng như các mặt kinh tế, xã hội. 

Theo ý kiến nhiều ĐBQH, phản ánh của cử tri về chuyện tăng giá điện là vấn đề nóng suốt thời gian qua. Giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36%, nhưng hóa đơn tiền điện thực tế lại tăng gấp 2-3 lần.

Điểm bất cập hiện nay là giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0 - 50kWh) khá thấp, không còn phù hợp với số đông và đời sống người dân đang tăng lên vì hộ nghèo hiện nay đã sử dụng 1 tháng trên bậc 1 (50kWh).

Vì thế, nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, tức là 100kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.

Vấn đề hiện nay của ngành điện lực là phải giải thích thật rõ trong việc tính giá điện để người dân yên tâm và chấp nhận giá điện hiện nay. Song song đó, ngành điện lực cần tăng cường tuyên truyền tốt việc sử dụng điện hiệu quả. 

Về đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện vấn đề giá điện, điều hành giá xăng dầu, nhiều ĐBQH cho rằng, Chính phủ, Bộ Công thương cần có báo cáo chi tiết cách tính giá điện, lộ trình tăng giá điện, có phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng khi tăng giá điện.

Theo đó, điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế nhằm tạo sự đồng thuận của người dân với điều hành giá điện của Chính phủ.

Bậc thang giá điện hiện đang co lại, những hộ sử dụng điện ở mức cao thì phải trả chi phí cao. Bên cạnh đó, thời điểm này (tháng 5) và các tháng tiếp theo (tháng 6, 7), thời tiết nóng nực thì việc sử dụng điện năng còn tăng lên nhiều. Do vậy, ngành điện phải hết sức thận trọng, xem xét một cách khách quan để điều chỉnh giá điện hợp lý nhất".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân