Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV:
Tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (BMHCNN) là chủ trương quan trọng, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát về cải cách tổ chức BMHCNN giai đoạn 2011-2016 cùng nghị quyết giám sát được Quốc hội thông qua sẽ tạo tiền đề triển khai hiệu quả hai nghị quyết quan trọng của Hội nghị Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ máy cồng kềnh, phình to
Những kết quả quan trọng nỗ lực và quyết tâm cải cách tổ chức BMHCNN hoạt động hiệu quả, hiệu lực, tinh gọn, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, gắn với tinh giản biên chế được khẳng định rõ trong báo cáo giám sát, ĐBQH và cử tri đánh giá cao. Tuy nhiên, bất cập còn không ít. Thực trạng biên chế như hình phễu, “đầu vào” rất to mà “đầu ra” lại nhỏ.
Bộ máy ngày càng cồng kềnh, các đầu mối phình to, không giảm được “cấp trung gian”, gia tăng lượng biên chế và chưa tạo được đột phá về hiệu quả quản lý thực thi nhiệm vụ; cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp lại cán bộ, công chức (CBCC) còn chậm, thiếu hệ thống; sáp nhập các cơ quan, đơn vị thực chất chỉ mang tính cơ học. Và bấy lâu nay điệp khúc tách nhập, nhập tách vẫn tái diễn, đúng như câu dân gian hay nói “tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối đi” mà ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) dẫn chứng.
Hằng năm ngân sách phải bỏ ra khoảng 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương (tổng số có khoảng tám triệu người đang hưởng lương, chiếm 8,3% dân số); tinh giản biên chế trong năm 2015 và 2016 là 17.694 người, trong đó nghỉ hưu trước tuổi chiếm tới 90%; giai đoạn 2011 - 2016 tổng số biên chế tăng, 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 (5%) so với số biên chế công chức được giao là những số liệu minh chứng điển hình tinh giản biên chế chưa thật sự hiệu quả. Thế nên, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) ví von cái bánh ngân sách nhà nước dù cho có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh hiện nay. Chưa kể, tình trạng cấp phòng trong vụ tạo nhiều tầng nấc trung gian, lãnh đạo nhiều hơn công chức; bổ nhiệm cấp hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó, nạn chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền... khiến ĐBQH và cử tri lo lắng, băn khoăn.
Tinh giản đúng và trúng
Biểu hiện cục bộ, ngại va chạm và nể nang, né tránh, tổ chức thực hiện chưa nghiêm chính là những rào cản. Muốn tinh giản đúng và trúng phải phân loại đánh giá chính xác đội ngũ CBCC bởi nếu thực hiện hình thức có thể dẫn đến tinh giản sai đối tượng, phát sinh tiêu cực.
Một số ĐBQH chỉ rõ đánh giá hiệu quả công việc chưa sát thực, chủ yếu dựa trên định tính, không khoa học nên có CBCC dù thiếu tiêu chuẩn, năng lực và phẩm chất hạn chế vẫn không nằm trong diện tinh giản, thậm chí được bổ nhiệm. ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh chúng ta chưa xây dựng một thể chế nhân sự hoàn chỉnh, đủ điều kiện, đủ căn cứ làm công thức cho việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ vì vậy không đong đếm được số lượng và chất lượng, có tình trạng cán bộ đông nhưng chất lượng kém.
Lâu nay, chất lượng CBCC là vấn đề xã hội quan ngại bởi tình trạng “sáng xách ô đi, tối xách ô về”, thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, coi thường kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều nơi. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) phân tích nếu người thực hiện cải cách hành chính không đủ tâm, đủ tài thì thủ tục đơn giản mấy cũng thành khó khăn, công nghệ hiện đại mấy cũng thành vô dụng.
Đòi hỏi đặt ra là sớm xây dựng quy chế về đạo đức công vụ, định ra tiêu chí và phương pháp phân loại phù hợp làm cơ sở giám sát, đánh giá thực chất hơn, đặc biệt tổng rà soát để loại ra khỏi bộ máy những người không làm được việc, kém năng lực và phẩm chất, tránh ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người; bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh minh bạch đồng thời có chế tài thu hút người tài giỏi bổ sung vào BMHCNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng.
ĐBQH Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) hiến kế bổ sung tiêu chí về định lượng là mỗi CBCC hàng năm phải có bản mô tả kết quả đầu ra công việc theo từng vị trí công việc còn ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) kiến nghị quy định rõ chế tài, chính sách sau đánh giá như: tăng, hạ bậc lương, khen thưởng hay kỷ luật, đề bạt, bổ nhiệm hay cách chức, cho thôi việc...
Muốn triển khai hiệu quả không thể thiếu vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và đây là dịp thử thách bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của họ. Do đó, cần hoàn thiện thể chế, mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí tuyển dụng, sử dụng CBCC song hành có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ phòng ngừa độc đoán, cục bộ và có chế tài xử lý cụ thể các trường hợp vi phạm, thực hiện chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, xác định chính xác vị trí việc làm cũng là cơ sở quan trọng để xác định khung biên chế chuẩn, tuyển dụng, bố trí đúng người, đúng việc. Yêu cầu cấp bách từ thực tiễn là các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, rà soát đề án vị trí việc làm cho sát thực và có lộ trình thực hiện. ĐBQH Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) gợi mở hệ thống chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn phải được xây dựng một cách khoa học, dựa trên yêu cầu về chuyên môn, năng lực của CBCC, không phải sự thay đổi tên gọi của ngạch viên chức hiện nay.
Một hướng mở khả thi để giảm thiểu tối đa bộ máy, bớt gánh nặng áp lực ngân sách nhà nước là khẩn trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chỉ để lại những đơn vị thật sự cần thiết trong lĩnh vực mà Nhà nước không thể giao cho tư nhân. Đương nhiên không thể thiếu cơ chế chính sách của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ hợp lý nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy phát triển các đơn vị dịch vụ công. Đề xuất của một ĐBQH cũng đáng lưu tâm là việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn từng loại dịch vụ sự nghiệp công; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp phù hợp thị trường và khả năng của ngân sách nhà nước.
Cần khẩn trương nhưng thận trọng
Cải cách tổ chức BMHCNN là công việc phức tạp và nhạy cảm, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài chủ trương, nền tảng pháp lý, cốt lõi là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới và trách nhiệm trước lợi ích của đất nước và nhân dân. Mượn hình ảnh “dù phải lấy đá ghè chân mình” cũng phải làm nhằm khẳng định sự cấp thiết nhưng nhiều ĐBQH vẫn đề nghị thận trọng tiến hành đồng bộ, có bước đi cụ thể, không cầu toàn, nóng vội.
Theo ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), quyết định thay đổi tổ chức bộ máy phải dựa trên cơ sở vững chắc của nghiên cứu khoa học một cách bài bản, đánh giá, tổng kết vấn đề thấu đáo như tinh thần của Nghị quyết T.Ư 6, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới phát triển, trước mắt sớm tinh giản số lượng cấp phó, các bộ phận trong các cơ quan, bộ, ngành ở các tỉnh. Nếu chỉ dừng ở việc ra nghị quyết, hô khẩu hiệu thì cải cách khó thành công bởi hiệu quả còn phụ thuộc khâu vận động xã hội và sắp xếp, tạo điều kiện cho những người ra khỏi biên chế ổn định cuộc sống.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương):
Cải cách BMHCNN tưởng dễ, hóa ra lại quá khó, cái khó chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn áp cả nhận thức và tư duy cũ kỹ lạc hậu thì cần thiết phải có một bàn tay sắt đủ cứng rắn như Đảng đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng. Chỉ khi nào coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả.