Cải cách chính sách tiền lương: Tránh bình quân, cào bằng

Theo Anh Thảo/daibieunhandan.vn

Đây sẽ là một trong những định hướng lớn trong Đề án cải cách tiền lương sắp tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã chia sẻ điều này tại cuộc làm việc với Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Văn phòng Quốc hội diễn ra vừa qua. Theo đó, sẽ tiến tới thực hiện tiền lương khu vực công tương quan với khu vực thị trường. Tiền lương phải tạo động lực phấn đấu, gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sống được bằng lương 

Trong cuộc làm việc, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ về những bất cập, hạn chế của chính sách tiền lương hiện nay. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Phạm Đình Toản, quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tiền lương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ chủ trương này, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện, xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp… Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai trong từng nội dung của chính sách tiền lương vẫn còn bất cập.

Đó là, tốc độ điều chỉnh lương tăng chậm, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản. Tiền lương chưa trở thành động lực để thúc đẩy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên không có tác động đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và năng suất lao động. Chính sách tiền lương không so sánh được giữa người làm tốt và chưa tốt, tiền lương chưa gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí việc làm.

Từ thực tế, một số đại biểu cho biết thêm, việc thay đổi và điều chỉnh mức lương tối thiểu cho đến nay vẫn chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường; mức tăng thu nhập chung trong xã hội, vẫn không theo kịp tỷ lệ trượt giá của một số mặt hàng thiết yếu; giá trị đồng tiền giảm, tác động không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức và người lao động.

Không những thế, quan hệ tiền lương vốn đã bình quân, thể hiện ở việc cứ 2 - 3 năm lên một bậc lương, sống lâu lên lão làng, thay vì gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ. Đáng buồn hơn, tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Trước thực trạng này, Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Đình Toản kiến nghị, cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm sống được bằng lương. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, nhằm tạo sự an tâm, động viên lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Trả lương theo chức vụ và vị trí việc làm

Lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết số 18 - NQ/TW (Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và Nghị quyết số 19 - NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII chính là nền tảng quan trọng để tiến hành cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công.

Theo chương trình nghị sự của Trung ương, các quyết sách về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công sẽ trình Trung ương xem xét, thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 tới (tháng 5/2018). Đây là lĩnh vực rất khó, tác động đến hàng chục triệu người. Vì vậy, việc xây dựng Đề án này đòi hỏi sự thận trọng, kỹ lưỡng. Ban Chỉ đạo đã làm việc với nhiều cơ quan, địa phương nhằm đề xuất được những cải cách phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, những định hướng lớn của cải cách tiền lương, đó là hướng tới trả lương theo chức vụ và vị trí việc làm (có thể thiết kế theo hai cách, hệ số như hiện nay hoặc mức tiền lương tuyệt đối theo từng chức vụ và vị trí việc làm). Tiền lương khu vực công phải có tương quan với tiền lương của khu vực thị trường. Đặc biệt, phải tạo động lực phấn đấu, gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, tránh hiện tượng bình quân, cào bằng.

Trao quyền cho người sử dụng lao động được đánh giá cán bộ, trả lương theo mức độ cống hiến, năng suất, hiệu quả công việc (thiết kế quỹ tiền thưởng trong quỹ tiền lương). Trả lương theo khả năng chi trả, cân đối ngân sách ở các địa phương. TP. Hồ Chí Minh đang được thí điểm thực hiện cơ chế này. Thực hiện rà soát các phụ cấp, đưa phụ cấp thường xuyên, có tính chất ổn định, gắn với chức vụ, vị trí việc làm vào lương; giữ lại phụ cấp chính đáng. Tính toán cơ cấu lại các khoản chi…

Đây có thể coi như những định hướng lớn trong quá trình xây dựng Đề án. Các ý kiến thảo luận, đóng góp của đại diện các cơ quan QH, UBTVQH sẽ là cơ sở để Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương.