Triển khai các dự án trọng điểm được Quốc hội thông qua:

Quan trọng nhất là công khai, minh bạch

Theo Thái Bình/daibieunhandan.vn

Thời điểm Quốc hội thông qua Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cũng là lúc sai phạm ở Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm quốc gia - bị phát hiện. PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bài học rút ra đã nhiều lắm rồi, nhắc lại vẫn chỉ là bài học cũ. Nhưng trực tiếp trong trường hợp này, bài học quan trọng nhất chính là công khai, minh bạch.

Toàn cảnh thủy điện Sơn La. Nguồn: Internet
Toàn cảnh thủy điện Sơn La. Nguồn: Internet

“Phòng tối thì dễ có chuột”

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, ông quan tâm điều gì nhất ở các dự án này? 

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS.TS. Trần Đình Thiên:
Điều tôi quan tâm nhất là hiệu quả triển khai thực hiện. Cả hai dự án đều quan trọng, buộc phải làm. Nhưng liệu chúng có được làm một cách hiệu quả không là điều - như kinh nghiệm của nhiều dự án cho thấy - luôn đáng quan ngại nhất.
Vì sao vậy? Vì đây là những dự án khổng lồ, được phê duyệt triển khai khi nền kinh tế đang khó huy động vốn (nhưng tôi xin nói - không phải do khan hiếm vốn), chính vào lúc vốn ngân sách nhà nước khó khăn.


Việc khó huy động vốn sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn tới “đội giá, đội vốn”, thất thoát, lãng phí và tuổi thọ công trình giảm. Hoặc giả nếu chúng ta muốn kiếm vốn nhanh thì chắc chắn phải trả phí cao hoặc chịu điều kiện vay khắc nghiệt. Trong trường hợp tính chuyện vay vốn nước ngoài thì điều này càng đáng lo ngại.

Cả hai dự án đều liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi những sai phạm trong công tác này vừa được phát hiện ở Thủy điện Sơn La - cũng là một công trình trọng điểm quốc gia. Bài học rút ra ở đây là gì thưa ông?

Bài học được rút ra có lẽ nhiều lắm rồi. Nhắc lại vẫn chỉ là những bài học cũ thôi. Trực tiếp trong trường hợp này, bài học quan trọng nhất chính là công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch từ khâu thiết kế, quy hoạch, đến đền bù giải tỏa và để dân giám sát thực thi. Sai phạm trong việc này là do “quyền lực không được giám sát”, nhờ đó, tạo ra những khoảng “tối”, để cho “chuột bọ” có cơ hội kiếm chác nhưng khó bị phát hiện.

Chúng ta ai cũng biết rằng trong phòng tối thì dễ có chuột nhưng khó đánh chuột, thậm chí không thể đánh được chuột. Nhưng nếu bật đèn cho căn phòng sáng lên thì chưa cần đánh, chuột đã phải trốn, không dám lộng hành, không dám xuất hiện. Để phòng tối mà đánh chuột thì thậm chí rủi ro còn lớn hơn.

Hầu hết dự án giao thông ở ta đều bị tăng vốn. Nhiều ý kiến lo ngại điều này xảy ra với dự án cao tốc Bắc - Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Lo ngại này là đúng thôi. Đầu tư nhưng không kiểm soát được tiến độ, trong khi rủi ro thị trường, rủi ro chính sách lớn thì nguy cơ tăng vốn là khó tránh khỏi. Kỷ luật hợp đồng để bảo đảm tiến độ của ta quá lỏng lẻo.

Lại thiếu công khai minh bạch trong đền bù giải phóng mặt bằng, nên thường gây ra xung đột, phản ứng của dân. Những nguyên nhân kéo dài dự án, làm tăng vốn như vậy biết cả rồi. Nhưng do ta không làm, bộ máy không thực tâm làm vì vướng vào lợi ích, do thiếu cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân rõ ràng.

Trong khi đó, ta có Nghị định 1792 của Chính phủ về đổi mới cơ chế phê duyệt vốn đầu tư theo nguyên tắc “trọn gói” rất hay - phê duyệt vốn đầu tư trung hạn chứ không phải theo kiểu xin - cho hàng năm - nhưng khó triển khai.

Luật Ngân sách nhà nước của ta thì vẫn chưa chuyển sang hệ thống “cơ chế cứng”, vẫn là mảnh đất nuôi dưỡng cơ chế xin - cho. Cần phải giải quyết vấn đề này một cách căn bản, từ trong cơ chế, chính sách, chứ không phải ở nỗ lực phát hiện sai sót và khắc phục nó.

Thiếu tầm nhìn sẽ phải trả giá

Theo ông, Quốc hội phải làm gì để ngăn chặn hoặc hạn chế thấp nhất những rủi ro kể trên?

Để giảm thiểu những rủi ro này, Quốc hội có vai trò rất lớn. Đầu tiên là sửa những thứ chồng chéo về luật để bảo đảm thông suốt các khâu trong quy trình đầu tư. Kế đó là rà soát, đánh giá và phê duyệt Dự án.

Trong khâu này, Quốc hội cần đến sự tham gia từ đầu, sâu và mang tính chuyên nghiệp cao của các chuyên gia. Cuối cùng là giám sát thực hiện dự án, đặc biệt chú ý đến mấy việc: Giúp tháo gỡ ách tắc giữa các khâu, giải tỏa nguy cơ chậm tiến độ; giám sát nguy cơ “đội vốn” và giám sát chất lượng.

Tôi cho rằng Quốc hội cũng cần thực thi chế độ “chịu trách nhiệm” cho những bộ phận và cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi các công việc nêu trên. 

Trong những năm qua, đã có nhiều công trình trọng điểm quốc gia được triển khai như Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng... Theo quan sát của ông, quá trình thực hiện các dự án này để lại những kinh nghiệm nào?

Tôi cho rằng có hai bài học lớn. 

Một là tầm nhìn quy hoạch phải thật tốt. Tầm nhìn này gồm tính tổng thể và tính dài hạn. Những dự án lớn chỉ hụt tầm nhìn một chút thôi thì giá phải trả luôn rất lớn. Chúng ta đã có những bài học đắt giá về tầm nhìn rồi. 

Hai là công khai, minh bạch. Đây là yếu tố quyết định, bảo đảm tránh được những tổn thất liên quan đến tình trạng không hoàn thiện của cơ chế, chính sách, dễ bị lợi dụng, thao túng.

Xin cảm ơn ông!