Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022
Theo Tổng cục Thống kê số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên chạm mốc 15 nghìn doanh nghiệp, nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng Tư gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.
Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp rất hào hứng với trạng thái bình thường mới. Nhiều chính sách của Quốc hội, Chính phủ được ban hành có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên chạm mốc 15 nghìn doanh nghiệp, nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng Tư gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.
Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2022 đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp FDI vào môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tháng Tư năm 2022 có 136 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước và tăng 15,9% về số vốn đăng ký. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, có 464 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước và giảm 34,2% về số vốn đăng ký.
Doanh nghiệp FDI đăng kí thành lập mới trong 4 tháng đầu năm giai đoạn 2019-2022
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I/2022 đạt 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Việc khôi phục các đường bay quốc tế và mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế trong tháng Ba vừa qua được cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh. Trong hơn 1000 doanh nghiệp được hỏi thì có hơn 2/3 số doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II/2022. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhiều địa phương đã triển khai các chính sách đặc thù như việc rút ngắn các thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tạo lập hình ảnh từ các doanh nghiệp lớn tiên phong. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký vào Việt Nam là 10,8 tỷ USD, trong đó Bình Dương 2,3 tỷ USD (chiếm 21,7% tổng vốn đăng ký); Bắc Ninh 1,6 tỷ USD (chiếm 14,5%); TP. Hồ Chí Minh 1,3 tỷ USD (chiếm 11,8%); Thái Nguyên 943,9 triệu USD (chiếm 8,7%). Vốn thực hiện 4 tháng đầu năm 2022 là 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,49 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 555 triệu USD, chiếm 9,4%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 498,4 triệu USD, chiếm 8,4%. Nhiều doanh nghiệp FDI đã tăng cường tuyển dụng lao động để đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất, hoàn thành các đơn hàng sau giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, sát cánh cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để cùng phát triển. Để tiếp tục duy trì sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp FDI, đồng thời khai thác có hiệu quả, Việt Nam cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Cần khuyến khích thu hút các dự án FDI có khả năng tạo tác động lan toả, tạo ngoại ứng tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.