Tình hình đăng ký kinh doanh trong quý I/2022

Theo gso.gov.vn

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội quý I/2022, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm mạnh. Việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nền kinh tế nước ta đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong quý I/2022.

Tình hình đăng ký kinh doanh trong quý I từ năm 2017 - 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tình hình đăng ký kinh doanh trong quý I từ năm 2017 - 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/ 2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 176,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9%. Chính sách nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho khách quốc tế đã tác động tích cực đến ngành du lịch Việt Nam.

Khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2022 đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng kỉ lục số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2022 đã phần nào cho thấy các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp, tạo niềm tin, sự lạc quan cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp sau hai năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Trong quý I/2022, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 34,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng là 30.778 doanh nghiệp (chiếm 89% và tăng 18,9%); từ 20-50 tỷ đồng là 1.152 doanh nghiệp (chiếm 3,3% và tăng 30,6%); từ 50-100 tỷ đồng là 550 doanh nghiệp (chiếm 1,6% và tăng 28,2%); quy mô trên 100 tỷ đồng là 474 doanh nghiệp (chiếm 1,4% và tăng 3,7%). Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất với gần 14,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 10.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,1%.

Quý I hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới. Tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế 3 tháng đầu năm 2022 là 706,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 25,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 73,6% và tăng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh nhất (1.485 doanh nghiệp, tăng 105,4%) do tác động tích cực từ việc mở cửa đón khách quốc tế.

Cũng trong quý I/2022, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4.355 doanh nghiệp, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 3.184 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm (chiếm 73,4%); 744 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,2%) và 407 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 9,4%).

Những tín hiệu tích cực từ tình hình đăng ký kinh doanh trong quý I/2022 đã minh chứng cho sự quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để phục hồi và phát triển.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp nắm được hướng đi và chiến lược phát triển, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ và các bộ, ngành cần ban hành các chính sách kịp thời hơn, minh bạch và thuận tiện, tạo động lực để các doanh nghiệp vươn lên.