Tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường 10 tháng năm 2024


Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng là gần 136,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.312,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 815,6 nghìn lao động, tăng 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 4,1% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể đạt 3,2% GDP. Mức lạm phát toàn cầu cũng được OECD và IMF dự báo sẽ giảm dần từ 6,8% năm 2023 xuống 5,9% – 5,8% năm 2024 và 4,5% năm 2025.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro đáng kể. Chính sách tài chính, tiền tệ nhìn chung vẫn thắt chặt ở nhiều quốc gia, tạo áp lực lên chi phí vay và tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Trung Đông đe dọa, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu.

Đồng thời, xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt, thể hiện qua sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, làm suy yếu hợp tác quốc tế cũng như hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những yếu tố này tạo ra một bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược linh hoạt và thích ứng để duy trì tăng trưởng bền vững trong bối cảnh mới.

Trong nước, theo báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam ngày 18/10, Ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6%). Các chuyên gia nhận định, mặc dù áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại, nhưng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường. Việc Chính phủ đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế có thể giúp duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian tới và các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Trước dự báo tình hình kinh tế nước ta cuối năm 2024 và những năm tiếp theo còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 07/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo theo  nhằm định hướng tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng là gần 136,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.312,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 815,6 nghìn lao động, tăng 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 4,1% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10/2024 tăng trở lại sau ba tháng sụt giảm liên tiếp (tháng 7/2024 giảm 6,3%; tháng 8/2024 giảm 15,2%; tháng 9/2024 giảm 16,3%) với gần 14,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 153,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 80,5 nghìn lao động, tăng 26,5% về số doanh nghiệp, tăng 65,4% về vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động so với tháng 9/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 9,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,5% về số vốn đăng ký và giảm 39,2% về số lao động.

Hình 1: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới các tháng năm 2024 (ĐVT: doanh nghiệp). Nguồn: GSO
Hình 1: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới các tháng năm 2024 (ĐVT: doanh nghiệp). Nguồn: GSO

Tính chung mười tháng năm 2024, cả nước có hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Quy mô vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2024 đạt gần 2.613,1 nghìn tỷ đồng (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2023) phản ánh tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong việc tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng vẫn còn hiện hữu. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn thấp hơn các năm trong giai đoạn 2017 – 2022.

Doanh nghiệp thành lập mới phân theo quy mô và lĩnh vực hoạt động: Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với hơn 125,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 92,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ với 103,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 75,8% và tăng 2,73%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 31.585 doanh nghiệp, chiếm 23,2% và giảm 0,53%. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 1,0% và giảm 5,24%.

Có 8/17 ngành có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 16,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,9%; Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 996 doanh nghiệp, tăng 7,6%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 55,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,5%; Vận tải kho bãi có 7,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,3%; Thông tin và truyền thông có 4,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,7%; Kinh doanh bất động sản có 3,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,7%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 1,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,9%; Hoạt động dịch vụ khác có 1,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,3%.

Doanh nghiệp thành lập mới phân theo vùng kinh tế – xã hội, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (58,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 42,7%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (41,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,4%).

Hầu hết các vùng kinh tế có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: vùng Trung du và miền núi phía Bắc có gần 7,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có hơn 15,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,6%; vùng Tây Nguyên có hơn 3,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,0%; vùng Đông Nam Bộ có trên 58,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,2%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10,5 nghìn doanh nghiệp, tăng mạnh 10,1%. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng có gần 41,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,6%;

Biểu 1: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 10 tháng năm 2024 của một số địa phương. Nguồn: GSO
Biểu 1: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 10 tháng năm 2024 của một số địa phương. Nguồn: GSO

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 10 tháng năm 2024 đạt hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có hơn 6,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Riêng tháng 10/2024 ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (sau khi giảm trong tháng 9/2024) với gần 8,6 nghìn doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, tăng 33,5% so với tháng trước.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2024 ở tất cả các ngành, nghề kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể như sau: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 878 doanh nghiệp, tăng 20,6%; Khai khoáng 437 doanh nghiệp, tăng 15,6%; Công nghiệp chế biến, chế tạo hơn 7,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,7%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas với hơn 1,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,6%; Xây dựng gần 8,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,2%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 24,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 29,4%; Vận tải kho bãi 3,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 32,4%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 3,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,4%; Thông tin và truyền thông 1,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 42,1%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 528 doanh nghiệp, tăng 8,9%; Kinh doanh bất động sản có gần 2,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 42,1%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 4,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,7%; Giáo dục và đào tạo gần 1,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,6%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 327 doanh nghiệp, tăng 27,7%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 433 doanh nghiệp, tăng 6,9%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ hơn 3,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,5%;  Hoạt động dịch vụ khác có 1,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,3%.

Theo vùng kinh tế – xã hội, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vùng Đồng bằng sông Hồng có 21,5 nghìn doanh nghiệp; vùng Trung du và miền núi phía Bắc hơn 3,3 nghìn doanh nghiệp; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 8,4 nghìn doanh nghiệp; vùng Tây Nguyên gần 1,6 nghìn doanh nghiệp; vùng Đông Nam Bộ 27,2 nghìn doanh nghiệp; vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần 4,2 nghìn doanh nghiệp.

Hình 2: Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 10 tháng các năm giai đoạn 2016 – 2024. Nguồn: GSO
Hình 2: Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 10 tháng các năm giai đoạn 2016 – 2024. Nguồn: GSO

Đề xuất, kiến nghị

Theo IMF, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến năm 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản), trong hai năm 2024 – 2025, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh do nhận định Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN.

Để hoàn thành mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước. Cụ thể như sau:

Tập trung đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư theo hướng tận dụng cơ hội từ sự mở rộng của khối BRICS để tăng cường quan hệ kinh tế với những thành viên mới như Ả Rập Xê Út và UAE, đồng thời duy trì và phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống.

Ưu tiên đẩy mạnh cải cách cơ cấu và nâng cao năng suất lao động thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế.

Theo gso.gov.vn